Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm và thành tựu

Minh Ngọc| 28/10/2015 06:53

(HNM) - Vấn đề xây dựng con người nói chung, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô coi trọng trong nhiều năm qua.


Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 cũng đã xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những phẩm chất cơ bản như: Yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; trung thực, tự trọng, nghĩa tình, có lối sống và nếp sống lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế...

Một đám cưới theo nếp sống văn hóa mới ở quận Hà Đông. Ảnh: Tào Ngọc



Đòi hỏi tất yếu

Các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội đều đặc biệt coi trọng yếu tố con người, xác định xây dựng văn hóa Thủ đô cần tập trung vào việc xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đã góp phần giúp Hà Nội rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong thời kỳ mở rộng, hội nhập, Hà Nội cũng như các địa phương khác khó tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng không tốt về văn hóa. PGS.TS Phạm Xuân Hằng phân tích: "Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu kinh tế, văn hóa, Hà Nội có thể tiếp cận những thứ thiếu, chưa có, chưa biết, lạ, mới… Cái mới, lạ, khác, chưa biết ấy không phải chỉ gồm có cái tốt mang yếu tố phát triển, mà còn có cả cái xấu, cái tiêu cực cản trở sự phát triển. Trong xu thế ấy, yếu tố quan trọng hơn, quyết định hơn là sức đề kháng nội sinh của văn hóa Thủ đô, vốn chứa đựng trong lòng bản sắc, cốt cách văn hóa Thăng Long ngàn năm". Tương tự, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) chỉ rõ: "Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, định hướng giá trị từ chỗ ưu tiên cho các giá trị tinh thần, nay đang phải thích ứng với sự "lên ngôi" của các giá trị vật chất; từ chỗ ưu tiên các giá trị cộng đồng nay phải "thích ứng" với sự đua tranh, cạnh tranh của một số cá nhân; từ chỗ ưu tiên cho các giá trị đạo đức, nếp sống, nay những giá trị tốt đẹp ấy "lặn" dần vào trong…".

Trong một số cuộc hội thảo về văn hóa, giới khoa học nhiều lần cũng tỏ rõ lo ngại về tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí, coi trọng trí tuệ và đạo đức của người Hà Nội đang bị xói mòn vì nhiễm lối sống chạy theo tiền bạc, danh lợi; thái độ cục cằn, thô lỗ, biểu thị ý thức không tôn trọng mình đang có chiều hướng gia tăng, nhất là một bộ phận lớp trẻ. Rồi một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử… Đáng nói hơn, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), một số người lo ngại lối sống, nét văn hóa ứng xử mang tính chất đặc thù mà từ lâu người ta đã khái quát thành văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa trấn Sơn Nam Thượng… sẽ bị hòa lẫn, gây xáo trộn hoặc mất đi. Vì lẽ đó, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên cơ sở tôn trọng các chủ thể văn hóa và sự sáng tạo của nhân dân nhằm phát huy những cái hay, cái đẹp của các vùng văn hóa được cụ thể hóa thành những mục tiêu trong Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 2011-2015) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, sự cổ vũ, động viên của các nhà quản lý cũng như giới khoa học. "...Chúng tôi cũng ấp ủ xây dựng hướng phát triển văn hóa, con người mang tính chuyên sâu và cụ thể như Hà Nội, nhưng chưa làm được", đại diện Sở VH,TT&DL Bắc Ninh chia sẻ.

Hình thành lối sống, ứng xử mang tính chuẩn mực

Trên thực tế, nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội đã được các ngành, các địa phương triển khai hiệu quả, sáng tạo. Nằm ở "vùng lõi" của Thủ đô, hoạt động giao lưu, buôn bán diễn ra tấp nập nên quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và thực hiện đề án: "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ". Đề án đã giúp quận Hoàn Kiếm có nhiều thay đổi tích cực, từ chỗ bị lên án nhếch nhác, "chặt chém" du khách, nay trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn. Rồi mô hình xây dựng "Phường văn hóa" nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân quận Tây Hồ. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Lan Hương cho biết, việc xây dựng mô hình "Phường văn hóa" giúp Tây Hồ phát triển về mọi mặt. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hiện nay tình trạng xả rác bừa bãi, nói tục giảm đáng kể. Ngoài phường Quảng An và Nhật Tân đạt danh hiệu "Phường văn hóa", hầu hết các phường còn lại trên địa bàn quận cũng đã đăng ký xây dựng mô hình này. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhân dân Tổ dân phố 16, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) tự vận động, cùng nhau làm một ngõ phố bằng tranh gốm sứ rồi giữ gìn để không bị dán quảng cáo, rao vặt sai quy định. Mô hình cưới trang trọng và tiết kiệm với lượng cỗ không quá 40 mâm hình thành ở quận Hà Đông nay được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương khác trong cả nước. Mô hình tang văn minh, tiết kiệm đã và đang được áp dụng ở từng xóm, làng, từng tổ dân phố… Mừng hơn, bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội" do ngành Giáo dục Hà Nội soạn thảo đã được đưa vào giảng dạy đại trà từ bậc tiểu học đến THPT. Theo đánh giá, sau 5 năm giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường học, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt tăng lên, số vụ học sinh đánh nhau, bỏ học giảm đi, môn đạo đức và giáo dục công dân được các em chú trọng hơn. Tương tự, đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng TP Hà Nội" do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng soạn thảo làm "cẩm nang" ứng xử cho người Hà Nội được nhân dân đón đợi. "Nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lồng ghép với các phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp có tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị đã góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa Hà Nội", ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội) khẳng định.

Kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thực hiện cũng cho thấy: Hơn 90% học sinh, sinh viên (HS, SV) cho rằng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc là những giá trị đạo đức, giá trị tư tưởng quan trọng; 75-85% HS, SV khao khát muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước và có lý tưởng, hoài bão lập thân, lập nghiệp; 97% số người được hỏi biết khái quát về lịch sử truyền thống văn hóa của Thủ đô… Đây chính là những con số biết nói, khẳng định cho những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm và thành tựu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.