(HNM) - Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng chưa như mong muốn vì rất khó khăn, phức tạp. Do đó, cần kiên trì, kiên quyết thực hiện cho được. Phải tiến hành đấu tranh PCTN
Cử tri cả nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng khi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội. Trong ảnh: Cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh nguyện vọng tại buổi tiếp xúc với ĐBQH.Ảnh: Bá Hoạt |
Nhìn lại các vụ "đại án” tham nhũng cho thấy, PCTN không thể chỉ hô hào mà phải hành động với sự quyết tâm và bản lĩnh cao độ. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng tình với đề nghị của Chính phủ chưa trình dự án Luật PCTN sửa đổi để có thêm thời gian đánh giá và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cho thấy quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang được triển khai đồng bộ, toàn diện, chu đáo nhằm xây dựng cơ chế và luật pháp để "muốn tham nhũng không được, không thể tham nhũng được và không dám tham nhũng".
Triển khai đồng bộ, quyết liệt
Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, cử tri cả nước đặc biệt hoan nghênh Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã quyết liệt chỉ đạo làm rõ vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Thông tin về ý kiến của cử tri Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn cho biết: “Các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân chăm chú theo dõi, vụ việc làm rõ những dấu hiệu sai phạm liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Tất cả đều tin tưởng vào việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo làm rõ những dấu hiệu sai phạm”.
Không chỉ vậy, ông Trịnh Viết Thoại, cử tri phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm còn bày tỏ: Chúng tôi rất đồng tình với chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh của Trung ương trong nhiều vụ việc gần đây. Nhìn lại các vụ “đại án” tham nhũng những năm qua đã minh chứng cho quyết tâm của toàn Đảng nhằm đẩy lùi tham nhũng. Điều này tiếp tục được khẳng định tại phiên họp diễn ra đầu tháng 10-2016 khi Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng khẳng định yêu cầu tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng trong quý IV-2016 và quý I-2017.
Không chỉ tập trung chỉ đạo điều tra, sớm đưa ra xét xử những vụ án lớn, được dư luận quan tâm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao, không khoan nhượng, không chùn bước và tấn công quyết liệt tham nhũng, lãng phí bằng các biện pháp chỉ đạo đồng bộ, toàn diện. Tiếp xúc với cử tri TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Dù tội phạm tham nhũng có trốn đi đâu, có trốn ra nước ngoài 5-7 năm cũng sẽ bị bắt và đưa ra xét xử. Như công an đã bắt và truy tố Dương Chí Dũng, sắp tới là Giang Kim Đạt”.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, từ đầu năm đến nay, Ngành Thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 898 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn”. Nhiều biện pháp PCTN, lãng phí mới cũng đã được triển khai.
Cùng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực triển khai các biện pháp PCTN, lãng phí. Tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn cho biết, Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm và đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thực hiện, trong đó tập trung vào các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Tiếp nối nhiệm kỳ trước, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 26-4-2016, về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020" để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia công tác này. Trong 9 tháng qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng do Trung ương ủy quyền cho Hà Nội đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, điển hình như vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm.
Bịt những kẽ hở pháp lý
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, một trong những vụ “đại án” tham nhũng. |
Mặc dù vậy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn nhận định: Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan còn hình thức, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế, chưa kịp thời. Từ góc nhìn rộng hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Về tổng thể, tham nhũng vẫn phức tạp, tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa bị đẩy lùi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng khẳng định: Công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua.
Tất cả những hạn chế trong PCTN, lãng phí đang được Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN chỉ đạo khắc phục toàn diện. Một trong những ưu tiên hàng đầu là giải pháp hoàn thiện thể chế PCTN, lãng phí, “bịt” những kẽ hở để những người có ý định tham nhũng không thể tham nhũng. Trong đó, việc sửa đổi Luật PCTN sau 10 năm thi hành có ý nghĩa trọng tâm. Nhiệm vụ chính của Luật PCTN là tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng. Yêu cầu đặt ra là Luật PCTN phải được sửa đổi để đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự để tạo khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng.
Việc sửa đổi Luật PCTN vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên Chính phủ đã đề nghị chưa trình Quốc hội để sửa đổi toàn diện. Đề nghị này hoàn toàn nhất quán với quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thể chế. Đó là xây dựng Chính phủ khóa mới đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi và hợp lý; đánh giá kỹ tác động chính sách, dễ tiếp thu, dễ hiểu và dễ áp dụng nhưng cũng bảo đảm tính nghiêm minh, tính răn đe. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi thông tin về quyết định chấp thuận đề nghị của Chính phủ đã nhấn mạnh: Việc này là để có cơ sở đầy đủ, để khi dự án luật trình ra Quốc hội là đã được sửa đổi toàn diện, nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.