(HNM) - Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 diễn ra ngày 28-12, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những tồn tại, hạn chế trong năm 2016 cần khắc phục.
Bên cạnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, năm 2017 Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chống ùn tắc giao thông. Trong ảnh: Cầu vượt nút giao Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái vừa được đưa vào khai thác, góp phần tích cực giải quyết ùn tắc tại khu vực.Ảnh: Nhật Nam |
Dự phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Năm 2017 - năm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp cuối năm nhằm phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, cùng bàn thảo, đề ra những giải pháp lớn, nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2017. Nhìn lại năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thủ tướng cho rằng, đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhân tai, thiên tai khốc liệt xảy ra ở mọi miền đất nước. Cùng với đó là nhiều hạn chế tồn tại của nền kinh tế như sức cạnh tranh kém, ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, các dự án nghìn tỷ thua lỗ, xếp hạng quốc tế về chỉ số đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn làm rõ nguyên nhân những hạn chế yếu kém, từ đó tìm giải pháp khắc phục, quyết tâm triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Trong đó, quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước liêm chính, để công tác điều hành năm 2017 - năm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững - đạt hiệu quả cao nhất.
Làm rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương
Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, năm 2016 Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. |
Hội nghị đã tiến hành thảo luận giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách dân tộc, an ninh, đối ngoại.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sang năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội là bám sát chỉ đạo của Chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Trước thực tế quản lý quy hoạch đô thị còn một số bất cập, Chủ tịch UBND thành phố đã nêu lên các nhóm giải pháp khắc phục với lộ trình cụ thể, chi tiết; thực hiện hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Trước mắt, Hà Nội chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán sắp tới.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ đặc biệt quan tâm giải quyết tình trạng úng ngập, vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Phấn đấu trong năm 2017 sẽ thành lập mới 50.000 doanh nghiệp, đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp...
Để chủ động hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đề nghị, Chính phủ rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định theo hướng tăng phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong lĩnh vực liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Đại diện TP Cần Thơ kiến nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên nước; chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện tốt chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tình hình năm 2017 tiếp tục dự báo có nhiều khó khăn. Vì thế, mục tiêu 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, Nghị quyết nêu 10 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có việc các địa phương phải giảm chi thường xuyên. Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất năm 2017, phấn đấu giảm lãi suất trung dài hạn và quản lý thị trường vàng, ngoại tệ hiệu quả… |
Đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, năm 2017 bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thi đua đẩy mạnh sản xuất, cần khai thác tốt nguồn lực để phát triển bền vững, huy động nguồn lực rất lớn trong nhân dân hiện nay vào phát triển kinh tế - xã hội; triệt để tiết kiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, muốn tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, yêu cầu đặt ra là cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2017 các bộ: NN&PTNT, Công Thương, KH-ĐT, KH-CN, VH-TT&DL… phải có những giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thị trường nội địa. Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, KH-CN, TN-MT… chủ động triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, ngay trong tháng 1-2017, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể.
Tết Nguyên đán đã cận kề, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Với riêng Hà Nội, Thủ tướng còn lưu ý cần có giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông. Người đứng đầu Chính phủ phân tích, một trong những nguyên nhân ùn tắc hiện nay là do thành phố cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô.
Hôm nay, hội nghị tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
GDP tăng 6,21%, lạm phát dưới 5% (HNM) - Ngày 28-12, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình KT-XH năm 2016. Theo đó, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. GDP năm 2016 tăng 6,21% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, đóng góp 0,22% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, đóng góp 2,59%; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67%. Riêng quý IV-2016, GDP tăng 6,68%. 15/21 ngành có mức tăng trưởng khá. Xuất siêu hàng hóa đạt 2,68 tỷ USD trong bối cảnh thương mại quốc tế trầm lắng. Đầu tư nước ngoài thu hút được 2.556 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký 15,8 tỷ USD... Đáng ghi nhận, năm 2016, lần đầu tiên trong một năm cả nước có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký. Thu nhập bình quân của lao động phổ thông đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2015. Anh Minh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.