(HNM) - Việc di dời trụ sở các cơ quan nhà nước như các bộ, ngành trung ương hay các trường CĐ, ĐH, các bệnh viện khỏi nội đô Hà Nội là đòi hỏi tất yếu. Ai cũng biết, quá tải dân cư ở các quận nội thành Hà Nội đang gây bức xúc về ùn tắc giao thông, gia tăng cường độ ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng và khả năng đáp ứng của các dịch vụ công cộng…
Ngoài những lợi ích cụ thể đối với riêng các cơ quan, đơn vị di dời, lợi ích trước mắt của việc làm này là khắc phục những bất cập trên. Đây là ước nguyện của đông đảo người dân Hà Nội.
Nhiệm vụ tất yếu
Việc di dời song song với yêu cầu không xây dựng chung cư, khu đô thị trên diện tích đất cũ cũng chính là thực hiện các nội dung mang tính bắt buộc trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011). Theo quy hoạch này, Thủ tướng yêu cầu rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ, ngành, bố trí trụ sở, ngành của TP tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, HĐND, UBND TP… Đặc biệt, khu vực nội đô là khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.
Thực trạng các khu thương mại, chung cư mọc trên đất của các trụ sở bị di dời đang gây áp lực nhiều mặt trong nội đô. Ảnh: Đàm Duy |
Mặt khác, một trong những mục đích mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008 là tạo điều kiện để Thủ đô quy hoạch, xây dựng, phát triển cân đối, hài hòa, khắc phục được những bất cập hiện nay. Nên việc không xây dựng chung cư, khu đô thị trên đất trụ sở các bộ, ngành, các trường học, bệnh viện sau khi di dời còn là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, là trách nhiệm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.
Trong cuộc làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định sẽ không cấp phép xây dựng chung cư, khu đô thị trên diện tích đất cũ. TP cũng có thể mua lại các khu đất này để sử dụng vào các mục đích phù hợp với quy hoạch. Đây là những điều được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để thực hiện được, nhất thiết phải quan tâm đến một số vấn đề cụ thể đang đặt ra hiện nay.
Xây dựng cơ chế, chế tài
Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở KHĐT, TP đã công khai thể hiện quyết tâm thực hiện đúng mục đích di dời các trụ sở, trường học, bệnh viện, nên nhiệm vụ của các ngành, cấp là phải thực hiện nghiêm vấn đề này. Trong thời gian tới, Sở KHĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất cho UBND TP cơ chế, chính sách cụ thể để vừa đẩy nhanh tiến độ di dời, vừa bảo đảm "hậu di dời" không tăng áp lực về dân số và giao thông cho nội đô.
Dẫu vậy, vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, các đơn vị, trường học, bệnh viện trong việc này vẫn có ý nghĩa mấu chốt. Trước hết, đất trụ sở cũ trong nội đô hầu hết đều có vị trí đắc địa, diện tích lớn, giá trị tài chính rất cao. Đây là lý do khiến một số cơ quan, đơn vị cho rằng phải đấu giá đất trụ sở cũ để lấy kinh phí xây dựng trụ sở mới hoặc phải giữ lại để xây dựng văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... cho thuê, bán; xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên... Chừng nào còn có tư duy này, chừng đó, đất trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị di dời còn có nguy cơ biến thành chung cư, khu đô thị hoặc việc di dời sẽ bị chậm trễ. Thực tế là cách "ứng xử" với đất trụ sở cũ các cơ quan, đơn vị di dời khỏi nội đô vẫn chưa có sự hướng dẫn thống nhất, chưa có quy định mang tính pháp lý.
Việc TP Hà Nội có ý định mua lại đất trụ sở cũ các bộ, ngành, trường học, bệnh viện trong nội đô là một hướng đề xuất có tính thực tế. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đây là việc có thể làm được, nhưng Chính phủ cần có quy định cụ thể, chẳng hạn như bao nhiêu ngân sách dành cho việc này, mua giá nào, sử dụng làm gì sau khi mua… Và quan trọng là phải quy định các bộ, ngành, trường học, bệnh viện có trách nhiệm nhượng lại đất cho TP.
Để thực hiện được việc không xây dựng chung cư trên đất trụ sở cũ, ngoài yêu cầu hoàn thiện các quy định mang tính pháp lý, các hướng dẫn thống nhất chung từ trung ương xuống địa phương, trách nhiệm đối với tương lai Thủ đô của các bộ, ngành, các trường học, bệnh viện có ý nghĩa quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.