(HNM) - Sáng 2-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Đánh giá về quá trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục ban hành được số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được đánh giá là chưa đạt kết quả như chương trình đề ra. Chất lượng và tính khả thi của một số văn bản luật, pháp lệnh chưa cao; một số luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống.
Chiều cùng ngày, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về vấn đề này. Qua trao đổi, các ĐB đồng tình với nhận định trên của Ủy ban Thường vụ QH. Từ thực tế công tác, các ĐB bày tỏ sự băn khoăn về quy trình xây dựng các dự án luật thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa thu hút được hết trí tuệ của các ĐB. Các ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), Võ Trọng Việt (Kon Tum), Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nhận xét, tại QH khóa XII, ban đầu chương trình xây dựng luật rất lớn, nhưng không đạt được yêu cầu đề ra, đưa vào chương trình rồi rút ra tùy tiện. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu nguyên nhân cơ bản khiến cho nhiều dự án luật được đưa vào chương trình nhưng rồi phải rút là do chất lượng xây dựng luật chưa cao.
Để nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ này, các ĐB thống nhất quan điểm cần tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, các bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; có kế hoạch thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh. Các ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Nguyễn Văn Hiện (Sơn La) cho rằng, tại nhiệm kỳ khóa XIII, UBTVQH và QH cần đổi mới trong việc xây dựng chương trình luật và pháp lệnh, có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chất lượng của cơ quan thẩm định. Cũng về giải pháp để quy trình xây dựng được chặt chẽ và góp phần nâng cao chất lượng luật, pháp lệnh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng (ĐB đoàn Hà Tĩnh) cho biết, QH nhiệm kỳ này sẽ thay đổi cơ chế làm việc của các ủy ban trong công tác thẩm tra theo hướng tiếp nhận sự tham gia ý kiến của các ĐB quan tâm qua các hội nghị mở rộng của ủy ban; tiếp thu và rà soát kỹ các dự án luật trước khi đưa ra phiên họp toàn thể để QH đóng góp hoặc thông qua. Quan điểm của QH là nếu các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, dứt khoát không đưa vào chương trình nghị sự...
* Sáng cùng ngày, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quốc hội cũng đã nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Cũng trong sáng 2-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giáo dục ĐH. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục ĐH.
Đại biểu Quốc hội Hà Nội Đào Trọng Thi: Cần kiểm soát chặt chẽ hơn điều kiện thành lập trường ĐH |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.