(HNM) - Năm 2015, Bộ Công an sẽ chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT, đặc biệt là quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT ở ngoài đường. Đó là khẳng định của Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an tại hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông ngày 13-1.
Theo đó, các hoạt động có dấu hiệu vi phạm như dừng xe không đúng quy định, dừng xe không kiểm soát hoặc kiểm soát qua loa, đứng chốt thường xuyên một chỗ, kiểm tra quá nhiều xe tại một chỗ... sẽ bị xử lý nghiêm… Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, không chỉ các trưởng, phó phòng CSGT, phó giám đốc công an phụ trách phải thường xuyên ra đường: Ra để xem có khó khăn, thuận lợi gì, khen kịp thời, chê kịp thời, có biện pháp xử lý kịp thời… Cũng trong hội nghị nêu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: Đừng để người dân bức xúc vì quy định những biển báo không thể thực hiện được, đánh đố. Những biển báo không hợp lý mà chưa cắm được biển mới thì nhổ vứt bỏ, thà không có còn hơn có mà gây bức xúc, kêu ca. Dứt khoát bỏ biển báo hiệu không phù hợp, đánh đố, cài bẫy người đi đường...
Như vậy có thể thấy, những vấn đề lâu nay nhiều người dân bức xúc khi tham gia giao thông đã được lãnh đạo các ngành chức năng đề cập một cách thẳng thắn. Cùng với đó là quyết tâm rất cao được thể hiện qua hàng loạt giải pháp quyết liệt.
Có thể nói, lãnh đạo các đơn vị phải "ra đường" để "có biện pháp xử lý kịp thời" là hết sức cần thiết, việc chấn chỉnh tác phong làm việc của CSGT khi làm nhiệm vụ và gỡ bỏ những biển báo hiệu "không phù hợp, đánh đố, cài bẫy người đi đường" cũng là việc cần làm ngay. Thực tế, công luận đã rất nhiều lần lên tiếng về việc một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT đứng ở chỗ khuất bắt lỗi vi phạm đối với người tham gia giao thông, rồi những biển báo giao thông đặt khuất tầm nhìn như những "cái bẫy", để rồi những người tham gia giao thông không biết vì sao họ bị phạt... Không ít hành vi trục lợi, không ít bức xúc, hiểu lầm đã xảy ra, do vậy, siết chặt công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ khi ra đường làm nhiệm vụ, rà soát hệ thống biển báo giao thông là cần thiết và lẽ ra phải làm từ nhiều năm trước.
Được biết, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có quyết định về những việc được làm và không được làm của CSGT. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm để nhân dân phàn nàn về thái độ, tác phong... Do vậy, Phòng CSGT CA TP Hà Nội đã đưa ra mục tiêu: Muộn nhất đến đầu năm 2015 chấm dứt hoàn toàn tình trạng cán bộ, chiến sĩ túm tụm; đồng thời yêu cầu: CSGT không được đứng núp, không được giật chìa khóa, không được chỉ gậy vào người tham gia giao thông khi người ta có sai phạm… Hiện nay, lực lượng CSGT CA TP Hà Nội đã được trang bị trên 450 camera, trong đó có 100 camera để xử phạt và sẽ tập trung "phạt nguội". Lãnh đạo Phòng CSGT CA thành phố cho biết: Khi tập trung "phạt nguội", CSGT ra đường chủ yếu làm hướng dẫn giao thông như những người bạn của dân… Đây chính là những việc làm thiết thực để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT đẹp trong mắt nhân dân. Và việc làm này đang nhận được sự ủng hộ từ dư luận.
Tăng cường các biện pháp nhằm công khai, minh bạch hoạt động của lực lượng CSGT, để người dân cùng giám sát là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là tiếp thu ý kiến, đón nhận những phản ánh của nhân dân. Muốn khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm, thì từ người chỉ huy đến người chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ, tự bản thân mỗi người phải gương mẫu thực hiện các quy định, loại trừ những việc làm chưa đúng. Như vậy, CSGT sẽ nhận được sự tôn trọng và ủng hộ của nhân dân.
Tuy nhiên, để quyết tâm của lãnh đạo lan tỏa đến từng cán bộ chiến sĩ sẽ còn nhiều việc phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.