Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm đột phá giáo dục đại học

Quỳnh Phạm| 25/01/2011 06:55

(HNM) - Mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng các trường ĐH xuất sắc, được coi là giải pháp trong lộ trình nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ĐH. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 5 trường ĐH trình độ quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia và 100 ĐH thành viên.

Hỗ trợ mạnh mẽ

Hiện có 4 trường ĐH đang được triển khai và đi vào hoạt động theo mô hình ĐH xuất sắc, với vốn vay khoảng 100 triệu USD cho mỗi trường từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước phát triển là Đức, Pháp, Nhật và Mỹ đã được chọn và dự kiến là đối tác chiến lược để phối hợp xây dựng các ĐH đạt trình độ quốc tế.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội tại phòng thực hành.

Ngay trước khi trường đầu tiên trong nhóm đi vào hoạt động, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra cam kết về những nguyên tắc xây dựng trường ĐH xuất sắc. Các trường sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các ĐH, viện nghiên cứu của Việt Nam, đồng thời chia sẻ nguồn lực, khả năng hợp tác quốc tế với các ĐH, cơ sở nghiên cứu khác. Ông nhấn mạnh: "Đầu vào" các trường này là những SV giỏi nhất của Việt Nam và những SV nước ngoài xuất sắc. Đặc biệt, các ĐH nghiên cứu mô hình mới sẽ có quy chế đặc biệt để tự chủ và thể hiện kinh nghiệm mô hình quản lý ĐH tiên tiến của các nước là đối tác chiến lược. Phó Thủ tướng cho rằng, từ đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tổng kết để rút ra các bài học về mô hình, phương pháp quản lý ĐH nhằm đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam.

Trường ĐH Việt - Đức là trường đầu tiên đi vào hoạt động và đã tuyển sinh từ năm học 2008-2009 với ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đối tác trong nước và CHLB Đức là đối tác chiến lược. Khoảng 40 trường đối tác của Đức hỗ trợ nhà trường về chương trình, giảng viên, trang thiết bị phòng thí nghiệm, đào tạo nghiên cứu sinh, chi phí nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật xây dựng trường… Tổng chi phí hỗ trợ ước tính khoảng 12 triệu euro.

Trường thứ hai là ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với đối tác trong nước là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đối tác nước ngoài là CH Pháp. Khóa đào tạo đầu tiên của trường đã được mở năm 2010. Phía Pháp chịu trách nhiệm gửi giảng viên, nghiên cứu viên sang làm việc, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Ngay từ năm 2009, phía Pháp đã bắt đầu triển khai đào tạo 30 tiến sĩ cho trường với mục tiêu tới năm 2020 đào tạo được 400 tiến sĩ. Tổng chi phí hỗ trợ cho dự án ước tính 100 triệu euro.

Với hai trường còn lại, đối tác trong nước là ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Cần Thơ, đối tác nước ngoài dự kiến sẽ là Nhật Bản và Mỹ. Hiện các chuyên gia tư vấn của ADB và WB đang xúc tiến hỗ trợ kỹ thuật để thành lập.

Quyết tâm đột phá

Có cơ chế riêng và nhận được nhiều ưu đãi của Chính phủ, các ĐH xuất sắc mang trên vai sứ mạng trở thành một mô hình thành công trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, sau mùa tuyển sinh đầu tiên, những khó khăn đã bắt đầu bộc lộ, dễ nhận thấy nhất là việc không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường ĐH Việt - Đức chỉ tuyển được khoảng 30 SV cho khóa đầu với mức xét tuyển từ 21 điểm giảm xuống còn 17. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội hạ điểm tuyển từ 19 xuống 15 điểm mà cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo lãnh đạo của Trường ĐH Việt - Đức, rào cản lớn với các thí sinh là yêu cầu ngoại ngữ đầu vào và học phí cao. Cả hai trường đều có mức học phí khoảng 1.500 USD/năm (SV Trường ĐH KH-CN Hà Nội được Nhà nước hỗ trợ 50% học phí).

Tuy nhiên, những khó khăn mang tính "kỹ thuật" này không phải lý do chính khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ cái đích vươn lên đẳng cấp quốc tế trong 10-20 năm nữa của các trường xuất sắc. GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, chúng ta khó có thể đạt đẳng cấp quốc tế trong thời gian ngắn như vậy, bởi: ĐH đẳng cấp quốc tế không chỉ có đào tạo chất lượng mà còn cần nghiên cứu khoa học tốt trong khi thế giới đã vượt xa chúng ta về mặt khoa học cơ bản và công nghệ, kinh phí đầu tư như hiện nay cũng không bảo đảm được việc nghiên cứu. Ngoài ra, ông cho rằng, các trường Việt Nam hoàn toàn có thể năng động, sáng tạo và đáp ứng được nhiều kỳ vọng nếu cũng được áp dụng các điều kiện như những trường xuất sắc, đó là tự chủ cao và được đầu tư lớn.

Còn theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Trần Thị Hà, để xây dựng các trường đạt trình độ quốc tế, chúng ta có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Và, cách mà chúng ta lựa chọn hiện giờ là xây dựng trường ĐH mới dựa vào năng lực một số trường có tiềm năng ở Việt Nam, cùng với năng lực của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của các nước đối tác. Sự lựa chọn này được hy vọng tạo đột phá do các trường mới không vướng vào sức ỳ của hệ thống trường ĐH hiện có. Chí ít thì sự đột phá này đã thể hiện trong chiến lược tuyển sinh của các trường mới. Sau một mùa tuyển sinh không được như kỳ vọng, ngày 15-1 vừa rồi, nhằm "đãi cát tìm vàng", Trường ĐH Việt - Đức là trường đầu tiên thông báo xét tuyển cho kỳ tuyển sinh ĐH 2011, hoàn toàn độc lập với kỳ thi quốc gia.

Thời gian để các trường đạt mục tiêu không còn nhiều trong khi một ĐH trình độ quốc tế không chỉ cần có kinh phí lớn, "đầu vào" cao... Việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng các trường ĐH xuất sắc đã thể hiện quyết tâm tạo động lực mới cho giáo dục ĐH Việt Nam của Chính phủ và ngành giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đột phá giáo dục đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.