(HNM) - Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có khoảng 40 tấn rác và 70.000m3 nước thải xả ra các tuyến kênh rạch, sông ngòi. Mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh rạch, thế nhưng hiệu quả vẫn không cao. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu ý thức của người dân và các doanh nghiệp.
Kênh, rạch thành… bãi rác
Chỉ dòng nước đen ngòm của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Nguyễn Ngọc Trung (quận Phú Nhuận) than thở: "Chúng tôi sống ở đây lâu nên quen, chứ ai mới đến hoặc đi qua thì thấy cực lắm. Mỗi khi thay đổi thời tiết, gió đổi chiều thì mùi hôi thối xộc vào tận nhà. Rác ngập ngụa, công nhân vệ sinh đến vét, dọn được vài ngày thì người ta lại xả xuống".
Thi công nạo vét bùn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
Trong hệ thống kênh ở TP, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Suốt chiều dài hơn 9km chảy qua các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, 3, 1 và Bình Thạnh, dòng nước luôn có màu đen, đặc sánh. Nhiều đoạn, nhất là ở chân cầu số 2 và số 3, bao ni lông, vỏ lon, vỏ hộp, rác thực phẩm, động thực vật phủ kín mặt kênh. Lúc nước triều rút lộ ra lớp rác dày lẫn bùn đen bốc mùi hôi nồng nặc. Có mặt tại tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đoạn chạy qua địa bàn quận 11, quận 6 và quận 8, phóng viên Hànộimới chứng kiến nhiều người dân vô tư vứt những bịch ni lông rác thải thẳng xuống kênh. Nhiều nơi rác ngập kín, nổi lềnh bềnh, đọng quánh lại, bốc mùi tanh hôi. Ruồi nhặng, côn trùng bám đen kịt.
Tình trạng trên còn diễn ra ở kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuận, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Ba Bò… Điều đáng nói là việc xử lý những hành vi xả rác không đúng nơi quy định dường như không được coi trọng. Dọc tuyến kênh Tân Trụ và kênh Hy Vọng chảy qua địa bàn phường 15 (quận Tân Bình) hằng ngày nhiều người dân vẫn vô tư xả rác, thế nhưng, như một cán bộ phường cho biết, từ trước đến nay phường chỉ mới xử lý 1 trường hợp... Và mặc dù TP đang triển khai thí điểm gắn camera trên một số tuyến kênh rạch, nhưng theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT), việc theo dõi và kiểm soát bằng camera rất khó thực hiện bởi chưa có cơ chế "phạt nóng".
Doanh nghiệp "nhờn thuốc"
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), hệ thống kênh rạch ở TP đều bị ô nhiễm nặng. Các thành phần hóa học, kim loại nặng... đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ngoài tình trạng xả rác, nguyên nhân chính còn do nhiều DN không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra kênh rạch. Khu phố 4 và 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12), dọc kênh Tham Lương có khá nhiều cơ sở nhuộm, giặt tẩy, tái chế giấy, chế biến thực phẩm… "vô tư" xả nước thải xuống kênh gây ô nhiễm trầm trọng. Quận Bình Chánh có hơn 1.000 DN, cơ sở sản xuất thì chỉ có 30% xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai... cũng có hàng trăm cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải, nếu có thì cũng không đấu nối vào hệ thống xử lý chung, hoặc hoạt động cầm chừng để tiết kiệm chi phí. Trong năm 2011, kiểm tra hơn 400 DN thì cơ quan chức năng phát hiện có tới 60% đơn vị vi phạm xả thải. Hai tháng đầu năm 2012, có 5 DN bị xử phạt với mức từ 100-140 triệu đồng. Thanh tra Sở TN-MT đã cưỡng chế, buộc nhiều DN ngừng hoạt động đến khi khắc phục xong vi phạm, thế nhưng cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" do công tác giám sát kém hiệu quả. Mặc dù Nghị định 117/2009 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-3-2010) đã nâng khung hình phạt tối đa lên 500 triệu đồng cho một hành vi so với mức phạt 70 triệu đồng (theo Nghị định 81/2006 trước đây), tuy nhiên do các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường vẫn chung chung và chồng chéo nhau, đặc biệt là chưa có những quy định cụ thể để khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hay DN sai phạm, nên nhiều DN vẫn "nhờn thuốc".
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường kênh rạch, TP cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xử lý rác ngay từ "nguồn thải", tức là phân loại rác tại nguồn (các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu dân cư tập trung); đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xả rác, nước thải gây ô nhiễm kênh rạch; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và DN trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.