Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt hóa giải đại hạn

Thúy Nga| 06/01/2010 06:30

(HNM) - Vụ xuân 2010 báo động tình trạng thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh. Các đoàn công tác của UBND thành phố vừa kiểm tra thực địa để hoàn tất phương án chống hạn cho sản xuất vụ xuân. Theo nhận định ban đầu, hiện còn nhiều địa phương chủ quan với việc chống hạn.

(HNM) - Vụ xuân 2010 báo động tình trạng thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh. Các đoàn công tác của UBND thành phố vừa kiểm tra thực địa để hoàn tất phương án chống hạn cho sản xuất vụ xuân. Theo nhận định ban đầu, hiện còn nhiều địa phương chủ quan với việc chống hạn.

Quyết liệt đối phó với hạn hán

Nông dân xã Hà Hồi, huyện Thường Tín chăm sóc rau màu vụ đông.Ảnh: Bá Hoạt

Trong 10 năm qua, 8 năm nông dân ngoại thành Hà Nội phải đối mặt với tình trạng hạn hán. Dự báo vụ xuân 2010, khả năng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp đã rất nặng nề. Trên sông Hồng, ngày 5-1, mực nước cao nhất tại Ấp Bắc chỉ đạt 0,87m, tại Hồng Vân chỉ đạt 0,60m. Cao điểm lấy nước đổ ải vụ xuân chỉ còn 15 ngày nữa, mực nước trên sông Hồng còn xuống thấp nữa, hiện đã xuống thấp kỷ lục trong vòng 107 năm qua. Để đáp ứng nước cho vụ lúa xuân, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thủy lợi tập trung tu sửa máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương, đắp đập dâng nước, lắp đặt các máy bơm dã chiến cung cấp nước cho sản xuất. Sở NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch sẽ lắp đặt 72 trạm bơm dã chiến với 190 máy bơm phục vụ chống hạn. Tại các trạm bơm lớn như Đan Hoài, Hồng Vân, Thụy Phú, La Khê, Trung Hà, Xuân Phú đã nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn, tu bổ hệ thống kênh mương. Thời điểm này, 100% công trình trạm bơm lớn, nhỏ và các trạm bơm dã chiến được bố trí ở những vị trí nguồn nước thấp và đã xây dựng phương án lắp đặt sẵn sàng phục vụ chống hạn. Việc lấy nước trữ vào cáckênh tiêu, ao, hồ, ruộng đã được các địa phương triển khai sẵn sàng. Từ ngày 23-12-2009, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo vận hành máy bơm tại trạm bơm Sơn Đà (Trung Hà) tiếp nước cho sông Tích. Hiện nay, ngành NN&PTNT và các địa phương lắp đặt 25 - 30 máy bơm dã chiến, công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ tại cống Bá Giang tiếp nước cho trạm bơm Đan Hoài, sông Nhuệ, sông Đáy; lắp đặt 20 máy công suất 1.000 m3/giờ tại trạm bơm Ấp Bắc (Đông Anh) thêm 10 máy bơm tại trạm bơm Thanh Điềm (Mê Linh) tưới cho khu vực nông nghiệp. Việc cải tạo, nâng cấp, bổ sung máy bơm cho trạm bơm Liên Mạc, Thụy Phương II tiếp 5m3 nước/giây cho sông Nhuệ làm sạch nguồn nước trong thời kỳ tưới dưỡng đang được triển khai.

Chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn

Theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ xả nước 3 đợt phục vụ các tỉnh miền Bắc đổ ải. Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, thời gian xả nước cũng có những bất lợi do nguồn nước thấp, vì thời điểm này không trùng với triều cường cao, nên mực nước tại Hà Nội khó có thể đạt ngưỡng từ 2,3 đến 2,5m. Bên cạnh đó, lượng nước các hồ chứa thiếu hụt khá lớn như hồ Hòa Bình thiếu hụt 354 triệu mét khối, hồ Thác Bà hụt 1.198 triệu mét khối, hồ Tuyên Quang hụt 978 triệu mét khối báo động tình trạng thiếu nước tưới dưỡng cho vụ xuân. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, thành phố có khoảng 29.500ha sẽ gặp khó khăn về nguồn nước, trong đó 10.000ha thiếu nước nghiêm trọng.


Công ty Thủy lợi sông Đáy lắp đặt máy bơm dã chiến cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù, các đoàn công tác của thành phố và Sở NN&PTNT đôn đốc các địa phương khẩn trương nạo vét kênh mương, tập trung thu hoạch cây vụ đông để đưa nước vào ruộng đồng nhưng các địa phương triển khai quá chậm. Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã mới nạo vét được 70-80% kênh mương nội đồng. Đặc biệt, nhiều địa phương còn thờ ơ với việc chuyển đổi diện tích đất lúa khô hạn sang trồng cây chịu hạn. Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết, toàn thành phố dự kiến chuyển đổi khoảng 10.000ha đất lúa thiếu nước sang trồng các cây chịu hạn như ngô, đậu, lạc, trong đó, diện tích ngô chiếm 60%, đậu 30%, lạc 10%. Đây là các loại cây trồng sử dụng nước thấp, chịu hạn và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa. Nhưng đến ngày 5-1, Sở NN&PTNT mới nhận được báo cáo kế hoạch chuyển đổi được khoảng 250ha của quận Hà Đông, Long Biên và các huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ. Theo ông Hồng, các địa phương cần xác định được diện tích chuyển đổi sang cây chịu hạn cần phải thực hiện ngay, nếu chậm sẽ dẫn đến tình trạng bỏ hoang diện tích này. Điều đó rất cần cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, cần làm ngay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Công trình chống hạn còn "ăn đong"

Mặc dù thành phố và các địa phương đã đầu tư nguồn kinh phí xây dựng hệ thống công trình thủy lợi và nạo vét, cứng hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công trình cần thiết chưa được triển khai hoặc có công trình xây dựng từ lâu, nay không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, còn hàng loạt vi phạm chưa được giải tỏa ảnh hưởng đến việc chống hạn. Ông Đông cho biết, trong quy hoạch phát triển thủy lợi, Sở NN&PTNT đã tính đến phương án lâu dài xây dựng các công trình chống hạn, trọng tâm là nâng cấp cải tạo sông Nhuệ (phục vụ tưới, tiêu) bằng việc xây dựng trạm bơm Liên Mạc và xây dựng mới trạm bơm Phù Sa tưới cho 10.000ha lúa lưu vực sông này. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn chậm vì phụ thuộc vào thiết kế và nguồn vốn đầu tư. Thời gian để xây dựng trạm bơm Liên Mạc nhanh cũng phải tốn kém từ 3-4 năm. Như vậy, phải 5 năm nữa hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố mới bảo đảm yêu cầu tưới phục vụ chống hạn. Do đó, thành phố cần có cơ chế đặc thù ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm, hạn chế đến mức thấp nhất công trình thủy lợi "ăn đong", khi cần mới lắp đặt trạm bơm dã chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt hóa giải đại hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.