(HNM) - Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.100 trường học và 1,7 triệu học sinh. Tính đến tháng 10-2016, Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) với 1.138 trường đạt chuẩn, tương đương 54,4%.
Ngôi trường nào đạt CQG cũng khoác lên mình một bộ “áo mới” khang trang, hiện đại. Giáo viên, học sinh và nhân dân địa phương đều vui mừng, phấn khởi khi được thụ hưởng những điều kiện dạy học thuận lợi hơn, tiện nghi hơn từ sự đổi mới rõ nét này. Chất lượng dạy và học cũng nhờ vậy được nâng cao hơn. Phải khẳng định rằng, thành công đó không tự nhiên đến mà là sự phấn đấu bền bỉ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở trong nhiều năm.
Tuy nhiên, nhìn lại một chặng dài xây dựng trường CQG của Hà Nội có thể thấy, việc thiếu đất, thiếu tiền là nỗi khó chung của hầu hết các quận, huyện, thị xã, trở thành điệp khúc mỗi khi nhắc đến nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng trường chuẩn. Trong khi các quận nội đô thuận lợi về ngân sách, nhưng quỹ đất lại có hạn, thì các trường khu vực ngoại thành thường rộng rãi về diện tích, nhưng luôn eo hẹp về kinh phí. Đó là nguyên nhân chậm tiến độ của những huyện có nguồn thu thấp như Ba Vì, Phú Xuyên; hoặc những quận ở vùng lõi đô thị có mật độ dân số cao như Ba Đình, Hoàn Kiếm...
Thực tế trên đã kéo dài nhiều năm nhưng để có hướng giải quyết triệt để đòi hỏi những giải pháp đồng bộ hơn nữa. Một mặt, những trường đã đạt CQG cần tiếp tục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy và học. Với những trường chưa đạt chuẩn cần mạnh dạn nghiên cứu áp dụng một số cơ chế đặc thù mới có thể hy vọng "về đích” đúng hạn.
Thứ nhất, với những quận trung tâm, sở dĩ quy hoạch trường học phần nào bị “vỡ” có yếu tố tăng dân số cơ học quá nhanh từ các khu nhà ở cao tầng mới phát sinh trên địa bàn. Do đó, cần nghiên cứu vấn đề trách nhiệm tài chính của chủ đầu tư các công trình chung cư cao tầng đối với hạ tầng xã hội khu vực xung quanh nói chung và hệ thống trường học nơi địa bàn dự án hình thành nói riêng. Bởi lẽ, đã đến lúc cần quan tâm đến trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở mức cao hơn, thay vì coi những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, cấp thoát nước, giao thông… đương nhiên là “việc của Nhà nước”.
Thứ hai, cùng với việc huy động sự chung tay của toàn hệ thống chính trị trong việc mở rộng quỹ đất, gom điểm lẻ để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phòng học, cần đề xuất với Chính phủ, Bộ Xây dựng được tăng số tầng trường học ở vùng lõi đô thị. Bởi trong điều kiện không thể mở rộng quỹ đất, việc cho phép nâng tầng sẽ tăng thêm diện tích sử dụng, nếu bố trí các phòng làm việc của cán bộ, giáo viên ở tầng cao thì vẫn có thêm diện tích đáp ứng nhu cầu xây dựng chuẩn cho trường học. Ngoài ra, nên xem xét và tạo cơ chế để các địa phương có nguồn thu lớn, sẵn sàng đầu tư cho giáo dục có thể được mua lại những khu đất liền kề cơ sở trường học hiện hữu để gia tăng diện tích.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng trường CQG cho 7 huyện có tỷ lệ trường chuẩn dưới 50%, số trường nhiều và nguồn kinh phí khó khăn, gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai.
Với mục tiêu có từ 65 đến 70% số trường đạt CQG như Nghị quyết HĐND thành phố đề ra trong giai đoạn 2016-2020 thì đây sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bởi những trường chưa đạt chuẩn đều thuộc diện “gặp khó” ở mặt này, mặt kia. Để giải quyết tận gốc được những bất cập đó rõ ràng cần phải quyết liệt gỡ những “nút thắt” bằng cơ chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.