(HNMO) – Sáng 6/8, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phân tích những nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát trong nước tăng cao và thẳng thắn nhận định, có lỗi từ sự điều hành, quản lý của Chính phủ.
Các đại biểu Đồng Hữu Mạo – Thừa Thiên Huế, Huỳnh Văn Tiếp – Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân gây lạm phát là do sự điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm. Do đó, cần tổng kết, đánh giá, phân tích chuyên sâu việc điều hành tài khóa thời gian qua và trong kỳ họp tới, Chính phủ nên có báo cáo chuyên đề về vấn đề này.
“Tôi không cho là việc rút kinh nghiệm là có thể hết sai sót sau này nhưng vấn đề này là vấn đề cốt lõi trong công tác điều hành nên cần phải xem xét thận trọng và nó càng khó thì càng phải cần thận trọng... Hiện nay, CPI chưa xuống nhưng sản xuất đã có dấu hiệu đình trệ”, đại biểu Đồng Hữu Mạo cảnh báo.
Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh – Vĩnh Long cũng cho rằng, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của Chính phủ còn hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân do chủ quan. Đại biểu dẫn chứng, tình trạng nhập siêu còn cao, trong đó có cả những mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được.
“Các tổ chức, cá nhân khi ký nhập những mặt hàng này nên nghĩ đến đất nước. Chính phủ cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm này”, đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị.
Nhiều đại biểu khác khi đề cập đến các giải pháp giảm lạm phát cũng đã có kiến nghị với việc cắt giảm chi tiêu, đầu tư công. Các đại biểu nhất trí, việc cắt, giảm này là một chủ trương đúng nhưng cần có sự ứng xử phù hợp, xem xét và có tiêu chí cụ thể phù hợp với các ngành, các lĩnh vực và từng địa phương về những đầu tư công nào nên cắt giảm, đầu tư công nào nên tăng cường thực hiện cho dứt điểm.
“Tôi đề nghị với những đầu tư đã hoàn thành được 40-50% thì cần tiếp tục, nếu không dễ gây ra lãng phí đầu tư công và không hiệu quả”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận nói.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh lại đề nghị cần xem xét, đánh giá lại việc tăng giá tiêu dùng cũng như đánh giá lạm phát đúng hơn. Ông không nghĩ rằng lạm phát ở Việt Nam cao nhất khu vực, bởi dẫn chứng, ông mua một mớ rau muống ở thành phố giá 5000 đồng nhưng ra ngoại thành còn 2000 và xuống vùng sâu nữa thì còn rẻ hơn; giá sắt, thép cũng rẻ hơn. Nhà thu nhập thấp cũng ít người mua hơn...
“Đành rằng Chính phủ đóng vai trò nóng cốt trong điều hành sự phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng có trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân”, ông nói.
Theo ông, cần phải kiểm soát mạnh hệ thống ngân hàng thương mại và phải giảm quyết liệt lãi suất, tăng cường đầu tư và hỗ trợ đặc biệt cho nông dân, nông thôn.
“Tại sao khi đất nước khó khăn ngân hàng lại đua nhau tăng lãi suất để tạo ra sự khan hiếm tiền mặt, rồi cho vay lãi suất cao để kìm hãm việc phát triển sản xuất? Bộ luật Hình sự có quy định rằng việc tạo ra sự khan hiếm, đầu cơ tiền tệ, cho vay lãi nặng đó là những dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cần tính toán”, ông nói.
Việc nhanh chóng giảm lãi suất, tăng cường đầu tư và hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng là đề xuất của nhiều đại biểu khác khi bàn về các giải pháp chống lạm phát, trong đó có các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội, Hoàng Đăng Quang - Quảng Bình, Bùi Mậu Quân - Hải Dương....
"Tôi đề nghị trong thời gian tới, cần nghiên cứu chuyển một phần trong tổng số khoản tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 cho mục tiêu hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm bớt các khó khăn cho khu vực doanh nghiệp hiện nay. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý giám sát an toàn và hướng tín dụng vào việc phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp và sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản", đại biểu Hồng Hà nói.
Cùng phân tích về tình hình lạm phát trong nước, đại biểu Trần Xuân Hòa – Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lại cho rằng, việc lạm phát tăng cao có nguyên nhân do chất lượng dự báo có vấn đề và việc lập kế hoạch chưa theo tư duy của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
“Tôi đề nghị nên có tiêu chí về các chỉ tiêu, Quốc hội không nên có chỉ tiêu về CPI”, ông nói.
Ông cũng cho rằng, việc quán triệt kiềm chế lạm phát còn chưa sâu rộng, còn nhiều đơn vị, cá nhân bàng quan. Ông cũng nêu lên một nghịch lý, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải giảm chỉ tiêu về lạm phát, nhưng thực tế hiện nay, cụ thể là than cung cấp cho điện bán dưới giá thành quá nhiều.
"Giá thành năm 2011 các Bộ thẩm định là 940 ngàn đồng/tấn. Hiện nay than vào điện chúng tôi bán 580 ngàn đồng, trong khi đó than này chúng tôi xuất khẩu là 108 đô la Mỹ tức là 2,2 triệu đồng/tấn than. Như vậy đến khi nào chúng ta mới có một cơ chế thị trường phù hợp. Riêng 12 triệu tấn than cho điện năm nay, Tập đoàn đã phải dừng xuất khẩu để hỗ trợ lại cho các nhà máy điện của Tập đoàn EVN là 4 ngàn tỷ đồng. Nếu so với giá xuất khẩu, chúng ta bỏ vào đó 1 tỷ USD. Thử hỏi rằng, 1 tỷ USD này có phải vào hết cho dân ta hay không? Tôi nghĩ vào dân ta đâu đó chỉ vào khoảng 30 - 35%", ông nói.
Cùng góp ý về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai đề nghị, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến các đánh giá về xã hội. Đó không chỉ là về chính sách an sinh, trật tự an toàn xã hội… mà còn phải đánh giá lòng tin của dân với Chính phủ.
“Những phương pháp điều tra, thống kê hiện tại có thể làm được điều đó”, ông nói.
Giải đáp thêm về vấn đề nhập siêu, ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn là nước nhập siêu, đặc biệt từ năm 2005 trở lại đây và từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức là thành viên WTO thì nhập siêu có nhiều biến động.
Theo Bộ trưởng giải thích, nhập siêu ở Việt Nam có 1 số đặc thù: nước ta đang đẩy mạnh xây dựng nhiều công trình thiết yếu, trong điều kiện chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ, kể cả nguyên vật liệu cho sản xuất và xuất khẩu, nên vẫn phải nhập khẩu.
“93% nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng chưa đến 7%”, Bộ trưởng cho biết và khẳng định, nhập siêu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Một nguyên nhân khác khiến nhập siêu cao, theo Bộ trưởng là do cơ cấu kinh tế đất nước còn nhiều khiếm khuyết, cần phải chuyển dịch cơ cấu, trong đó có cơ cấu hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này cần thời gian, chi phí và cả trình độ.
Ngoài ra, tâm lý một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại, cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu.
Theo số liệu, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nhập khẩu. Nếu như năm 2009, nhập siêu chiếm 22,5% so với kim ngạch xuất khẩu thì sang năm 2010 còn 17,5% và 7 tháng đầu năm 2011 còn 12,9%.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, nhập siêu sẽ tiếp tục có cải thiện khi mà phân đạm đến năm 2012, nguồn trong nước có thể cung cấp đầy đủ; xăng dầu đến năm 2016 có thể tự sản xuất đầy đủ và hiện chúng ta cũng đã phối hợp cùng Hàn Quốc, Nhật Bản để triển khai công nghiệp hỗ trợ…
Giải thích về việc tại sao những mặt hàng xa xỉ vẫn được nhập khẩu, Bộ trưởng cho biết, khi gia nhập WTO, theo quy định, hiện chỉ có 4 mặt hàng chúng ta được giữ hạn ngạch: muối, đường ăn, trứng gia cầm, thuốc lá nguyên liệu, còn các mặt hàng khác chỉ được dùng thuế quan và rào cản thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.