Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt chấn chỉnh trật tự xây dựng

Nhóm PV điều tra| 09/08/2012 06:51

(HNM) - Như đã đề cập trong hai số báo trước, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Thực tế này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị mà còn làm giảm lòng tin về hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở.


Sau quá trình thâm nhập các "điểm nóng", phóng viên Hànộimới tìm ra nguyên nhân dẫn đến các sai phạm này, đó là những bất cập về quy hoạch kiến trúc, thái độ bất chấp pháp luật của chủ đầu tư, sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Nhiều vụ việc, cán bộ thực thi nhiệm vụ còn né tránh, thỏa hiệp, thậm chí tiếp tay cho sai phạm tồn tại...

Chủ đầu tư bất chấp pháp luật

Ông Nguyễn Đắc Hải, Chủ tịch UBND xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng nhà kiên cố "mọc" trên đất nông nghiệp, cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, có một thực tế ông Hải muốn chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý địa bàn, về sự bất chấp pháp luật của một bộ phận người dân. Từ sau khi nhậm chức chủ tịch, cứ dăm bữa nửa tháng, ông Hải lại cùng cán bộ địa chính xã đi tuần đêm, mục đích nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của các ngôi nhà "ma". Sở dĩ gọi nhà "ma" bởi chiều hôm trước vẫn là "bờ xôi ruộng mật", ấy thế nhưng sáng ra thửa ruộng này đã biến thành ngôi nhà kiên cố rộng dăm bảy chục mét vuông. Ví thử chỉ là bức tường rào, xã đủ lực lượng để cưỡng chế phá dỡ, nhưng đã là ngôi nhà thì phải lập hồ sơ theo trình tự rồi báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cưỡng chế xây dựng trái phép. Huyện cũng bận trăm công nghìn việc, đâu chỉ lo giải quyết cho mình Phượng Cách. Cưỡng chế một công trình thì dễ, cưỡng chế vài ba ngôi nhà lại là vấn đề đáng bàn. Không ít vụ người dân phản ứng lại khiến lực lượng cưỡng chế phải rút lui và trải qua năm tháng những ngôi nhà "ma" kia vẫn tồn tại, vô hình trung trở thành tấm bình phong cho những căn nhà "ma" mới mọc lên.


Công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó chánh Thanh tra Xây dựng huyện Từ Liêm than thở: Quả thật, có những vụ cưỡng chế mà lực lượng thanh tra xây dựng phải chùn tay. Không hẳn vì những cuộc điện thoại từ cấp trên dội xuống mà chùn tay vì đối tượng vi phạm là những người dân nghèo. Không ít gia đình chắt chiu, dành dụm mua một mảnh đất xen kẹt chừng vài chục mét vuông, làm nhà tạm bợ trên đó để ở. Rõ ràng, việc mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp cần xử lý nghiêm. Vậy nhưng, khi tổ cưỡng chế đến công trình vi phạm, cả gia đình (người lớn tuổi trên 70, trẻ em 3 tuổi) không hề chống đối mà chỉ quỳ xuống khóc lóc, van xin, thử hỏi lực lượng cưỡng chế có đang tâm phá dỡ nơi ở duy nhất của họ không? Song, nếu không cưỡng chế lại mang tiếng bao che, dung túng cho sai phạm; sợ nhất là tình trạng "té nước theo mưa" một nhà xây được thì nhiều nhà khác xây được…

Có dấu hiệu bao che sai phạm?

Báo cáo của Ban Cán sự đảng (UBND TP Hà Nội) đã chỉ rất rõ các nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng xảy ra trong thời gian vừa qua. Ngoài lý do chủ đầu tư chống đối, không tuân thủ pháp luật còn phải kể đến trách nhiệm, vai trò của chính quyền cơ sở. Tuy chưa tới mức cơ quan điều tra phải vào cuộc, nhưng rõ ràng trong nhiều vụ việc có tình trạng cán bộ thực thi nhiệm vụ đùn đẩy, né tránh, thỏa hiệp và tiếp tay cho người vi phạm. Điển hình như công trình vi phạm tại 55A-55B và 53D phố Bà Triệu. Tại sao một công trình xin cấp phép xây dựng chỉ có 9 tầng nhưng xây lên tầng thứ 13 mà chính quyền phường, quận không biết hoặc biết mà không có biện pháp ngăn chặn? Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn về thẩm định cấp phép nhưng tại sao với công trình này, giấy phép xây dựng không hề đề cập tới chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, loại công trình, cấp công trình... Hơn thế, Sở Xây dựng còn cho phép chủ đầu tư xây dựng lớp ngoài công trình ra sát chỉ giới thửa đất, vi phạm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và Quyết định số 04/2008/QĐ-UB của Bộ Xây dựng quy định về khoảng lùi công trình? Hơn ai hết, Sở Xây dựng Hà Nội phải hiểu được sơ suất này là do vô tình hay có chủ ý (!?). Khi sự việc bị phát hiện, chủ đầu tư đã xây dựng sai phép tới 4 tầng thì UBND TP lại có văn bản số 629/VP-VX giao Sở Xây dựng, Sở VH-TT&DL, UBND quận Hoàn Kiếm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện mở rộng diện tích làm bảo tàng, như vậy chẳng khác gì hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư (?).

Quận Hai Bà Trưng là một trong những điểm nóng về số công trình xây dựng vi phạm có quy mô lớn. Phóng viên Hànộimới đã đặt câu hỏi với ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận rằng, tại sao chỉ riêng địa bàn phường Bùi Thị Xuân có tới 6 công trình xây dựng sai phép quy mô lớn (vượt từ 2 đến 3 tầng, diện tích mỗi tầng hàng trăm mét vuông) thì ông Tuấn trả lời rằng: "Các nhà báo tự trả lời giúp tôi". Câu nói của ông Tuấn khiến chúng tôi hiểu rằng, cả phường và quận đều biết quy mô và mức độ vi phạm của các công trình này nhưng cán bộ nào làm sai, sai ở khâu nào thì có lẽ là vấn đề "tế nhị"!

Hệ lụy từ những công trình vi phạm


Quản lý đất đai lỏng lẻo, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề. Không chỉ phá vỡ cảnh quan đô thị, các công trình vi phạm này đang từng ngày bóp méo không gian kiến trúc của Hà Nội; nhiều khu vực dân cư, hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân mất niềm tin về năng lực quản lý của chính quyền cơ sở, ngược lại cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng không ít người bị kỷ luật vì dính líu đến đất đai và trật tự xây dựng. Đến nỗi như lãnh đạo một số quận, huyện thì "năm 2011 là năm mưa kỷ luật đối với quận, huyện, phường, xã". Có nỗi đau nào hơn khi chỉ trong năm 2011, UBND quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định kỷ luật 4 chủ tịch và phó chủ tịch phường; quận Ba Đình khiển trách 4 chủ tịch và thanh tra xây dựng cấp phường; huyện Sóc Sơn kỷ luật chủ tịch xã, 4 thanh tra xây dựng cấp xã, 2 thanh tra xây dựng cấp huyện... Gần như tất cả các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội trong năm qua đều kỷ luật cán bộ vì có sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã được kiện toàn về tổ chức nhưng lực lượng thanh tra xây dựng hiện chưa đáp ứng được cả về trình độ chuyên môn lẫn ý thức trách nhiệm. Phần lớn thanh tra tại các xã, phường đều không có biên chế nên không gắn bó với công việc, không được đào tạo cơ bản về chuyên môn cũng như phẩm chất chính trị trong khi để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, chịu kỷ luật nặng nhất bao giờ cũng là thanh tra viên phụ trách địa bàn. Đây là lý do khiến lực lượng này không chuyên tâm với nhiệm vụ.

Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và trật tự xây dựng ở Hà Nội đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cần thực hiện ngay một cuộc "đại phẫu". Và như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo: "Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chấn chỉnh trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.