(HNM) - Trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) trên địa bàn, Hà Nội đã đầu tư không nhỏ để ứng dụng những lợi ích của công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động tác nghiệp liên quan đến các lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh, đăng ký doanh nghiệp, quản lý thuế, giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận "một cửa"...
Điều đó được khẳng định qua xếp hạng chính phủ điện tử những năm gần đây, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước, được đánh giá có nhiều đột phá trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đấy là câu chuyện "bề nổi", nhưng để đi đến thành công đó không phải lúc nào cũng thuận lợi và nếu quyết tâm, có một đường hướng đúng, linh hoạt, thành quả sẽ không dừng lại ở đó. Vậy những "rào cản" trong quá trình thực hiện CQĐT hiện nay là gì?
Trước hết, phải khẳng định: Không có công dân điện tử thì không có CQĐT. Bởi lẽ việc đầu tư hạ tầng CNTT đủ mạnh, có thể cung cấp dịch vụ công ở mức 3, 4 (khai hồ sơ qua mạng, sau đó đến cơ quan chính quyền nhận kết quả) nhưng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn nếu người sử dụng, khai thác những tiện ích đó trong đời sống không có kiến thức hoặc ít am hiểu về CNTT. Tiếp đến, những người trực tiếp vận hành hệ thống hạ tầng CNTT cũng phải luôn đi trước một bước để có thể hướng dẫn công dân khi hiểu biết về CNTT của họ còn hạn chế… Do đó, khi xây dựng CQĐT thì một trong những đòi hỏi cấp thiết là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo cho cả hai loại đối tượng trên. Mặt khác, kinh nghiệm triển khai CQĐT ở nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng, chỉ có thể thành công nếu người đứng đầu vào cuộc thực sự để nắm được ưu cũng như nhược điểm của quy trình, từ đó quyết tâm và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan dưới quyền tìm cách tháo gỡ.
Một "rào cản" khác là việc đầu tư cho lộ trình triển khai CQĐT của chúng ta hiện nay phần nhiều vẫn áp dụng cách tính toán trong xây dựng cơ bản. Ví dụ: Để đầu tư một hạ tầng gồm máy tính, phần mềm… thì cần phải lập dự toán, chào hàng, đấu thầu phê duyệt. Quy trình này đôi khi kéo dài hàng năm trời. Trong khi đó, "vòng đời, tuổi đời công nghệ" của những thiết bị, tính năng mới của phần mềm… thay đổi rất nhanh và những văn bản quản lý liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản thường không kịp thay đổi theo dẫn tới việc quy trình chưa kịp đầu tư đã có thể lạc hậu. Hệ quả của sự việc này là lãng phí vô cùng lớn.
Ngoài ra, với sự đầu tư "nhỏ giọt" như hiện nay thì sự tương thích giữa nền tảng công nghệ cũ và mới, dẫn đến khi kết hợp xử lý công việc tạo lên "độ vênh" cũng là bài toán đặt ra. Và khi đã có một hạ tầng CNTT đủ mạnh thì chính các cơ quan công quyền cũng phải khai thác, dùng chung cơ sở dữ liệu, thậm chí thuê hạ tầng dùng chung trong hoạt động tác nghiệp chứ không thể mỗi nơi một phách, đẩy cái khó, không thừa nhận kết quả của nhau… cho công dân.
Tiện ích do CNTT nói chung, CQĐT nói riêng cũng là sản phẩm do con người tạo ra. Muốn đẩy nhanh CQĐT, chính quyền từ cấp xã, phường, phòng, ban trong mỗi đơn vị phải coi việc thực hiện công khai, minh bạch trong hệ thống hành chính, nhất là công khai minh bạch về: Quy hoạch đất đai; đấu thầu; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc; khen thưởng, kỷ luật... là con đường ngắn nhất để lộ trình triển khai CQĐT sớm thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.