Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền thay đổi ý kiến và rút đơn xin ly hôn

14/09/2013 08:14

Tôi và chồng tôi đã cùng ký vào đơn xin ly hôn gửi tòa án. Tòa án có thẩm quyền tiến hành thủ tục hòa giải nhưng kết quả không thành. Sau đó ít ngày, cùng bình tĩnh xem xét lại và vợ chồng tôi đã cùng thống nhất không muốn ly hôn nữa.

Tôi và chồng tôi đã cùng ký vào đơn xin ly hôn gửi tòa án. Tòa án có thẩm quyền tiến hành thủ tục hòa giải nhưng kết quả không thành. Sau đó ít ngày, cùng bình tĩnh xem xét lại và vợ chồng tôi đã cùng thống nhất không muốn ly hôn nữa. Xin hỏi Quý báo, chúng tôi có thể xin rút đơn ly hôn tại tòa án đang thụ lý giải quyết không? Nếu tòa án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì các bên có thể kháng cáo hay không?
Nguyễn Thị Mai (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - quốc gia, ĐT: 04.37622619- 37622620; website: www.luatsuvietnam. vn) trả lời:

- Về việc cả hai vợ chồng bạn cùng đồng ý ký vào đơn ly hôn và gửi đơn đến tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền thì xem xét thuộc trường hợp thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Căn cứ điểm a, mục 9, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có quy định như sau: "Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải. Trong trường hợp tòa án hòa giải không thành thì tòa án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hòa giải đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như viện kiểm sát không có phản đối sự thỏa thuận đó, thì tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: - Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn; - Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; - Sự thỏa thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm".

Như vậy, thời hạn để cả hai vợ chồng có thay đổi ý kiến về việc ly hôn tối đa là 15 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải không thành. Khi đó, nếu cả hai vợ chồng bạn cùng thay đổi ý kiến và xin rút đơn xin ly hôn thì tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản đ Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự: "Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án".

Trường hợp nếu tòa án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền thay đổi ý kiến và rút đơn xin ly hôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.