Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền “tẩy chay”

Vũ Duy Thông| 20/09/2010 07:06

(HNM) - Một thí dụ, Bộ Thương mại Mỹ có quyền áp thuế chống phá giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ nhưng Việt Nam, với tư cách người tiêu dùng có quyền ngừng nhập khẩu thức ăn cá tra từ Mỹ (ước khoảng 800 triệu USD/năm).


Thí dụ thứ hai, từ khi bị phát hiện cho đến khi Công ty Vedan Việt Nam ký vào biên bản bồi thường, mất gần 2 năm. Sự kiện có ý nghĩa quyết định nhất dẫn tới xoay chuyển tình thế để Công ty Vedan Việt Nam từ nhùng nhằng đến đền bù không cò kè là chỉ trong vài ngày, người tiêu dùng quyết định đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của hãng này, bắt đầu từ hệ thống các siêu thị lan dần đến các chợ và cửa hàng nhỏ.

Từ quyền của người tiêu dùng và sức mạnh của quyền người tiêu dùng qua hai thí dụ trên, có thể nghĩ đến một hiện tượng tương tự, đó là giá sữa bột của các công ty nước ngoài, các công ty có vốn nước ngoài tăng vùn vụt bất chấp thực tế, mặc cho người mua kêu trời, các cơ quan quản lý ra sức vào cuộc.

Mặc cho giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm 50% đến 60% so với lúc cao điểm và giảm liên tục trong một thời gian dài, việc tăng thuế không vượt quá mức thuế năm 2007, nhưng giá bán lẻ sữa trên thị trường vẫn bị đẩy lên rất cao, mang lại siêu lợi nhuận cho nhà sản xuất (trung bình lãi ròng 50%). Một hộp sữa ngoại, giá thành sản xuất (nguyên liệu, bao bì, chi phí sản xuất, vận chuyển bảo quản) 89.000 đồng, cả thuế giá trị gia tăng nữa là 97.900 đồng, được bán 330.000 đến 380.000 đồng. Sữa nhập khẩu, chẳng hạn loại sữa EnfagrowA+ loại 900g, giá bán cho công ty phân phối tăng 76% so với giá vốn nhưng đến tay người tiêu dùng đã tăng 143% so với giá vốn, tức là từ 113.349 đồng/hộp đã tăng lên thành 276.454 đồng/hộp. Một thí dụ khác, loại sữa Enfamama A+ loại 400g, giá vốn 46.765 đồng/hộp, đến tay người dùng là 115.454 đồng/hộp.

Giá sữa bột cho trẻ em, người già yếu tăng có thể nói là "vô tội vạ" trước hết là do có sự liên kết giữa các hãng sữa với nhau để tạo thế độc quyền; do những kẽ hở trong quản lý thị trường của ta, do chi phí cho quảng cáo, PR quá lớn… nhưng một nguyên nhân không nhỏ, thậm chí là quyết định là do người tiêu dùng Việt Nam sính ngoại, chê nội và sẵn sàng mua sữa ngoại bằng mọi giá. Hiện nay, các công ty sữa ngoại dành khoảng 38% cho quảng cáo và chi phí này đều bị quy vào giá sữa. Quảng cáo dày đặc, trên các phương tiện thông tin đại chúng lớn tạo ra tâm lý sữa ngoại hơn sữa nội nên cho dù chất lượng tương đương và rẻ hơn rất nhiều nhưng sữa nội chỉ chiếm tổng cộng 20% thị phần, còn 80% do sữa ngoại chiếm lĩnh.

Sữa là mặt hàng thiết yếu trong xã hội hiện đại nhưng vẫn có thể dùng sữa nội thay thế cho sữa ngoại. Nếu thành phần dinh dưỡng trên bao bì tương đương nhau thì khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sữa nội cũng ngang sữa ngoại. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong quản lý giá nhưng nếu người tiêu dùng còn tin cậy và ủng hộ sữa ngoại thì việc hạ giá sữa sát với giá thành, bảo vệ người tiêu dùng sẽ còn khó khăn. Một cách thật dễ thực hiện để giảm giá sữa đó là người tiêu dùng từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam đều đồng loạt tẩy chay sữa ngoại vì giá cả không hợp lý. Tin rằng nếu chỉ một vài tuần, hệ thống siêu thị, đại lý sữa trong cả nước đều đưa sữa ngoại ra khỏi danh mục kinh doanh của mình, tình hình sẽ chuyển biến tốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền “tẩy chay”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.