Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi, nghĩa vụ của toàn xã hội

Chí Kiên| 28/11/2022 06:24

(HNM) - Lâu nay, trong phát triển kết cấu hạ tầng, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi thực tế, ở lĩnh vực này, đâu đó vẫn còn những hiện tượng tiêu cực như thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, bán thầu, chia cắt dự án…; tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư, sử dụng vốn, tài sản, lao động, tài nguyên…; chậm tiến độ trong triển khai, vận hành công trình, dự án… Hệ lụy của những tồn tại, hạn chế này rất lớn, khiến chất lượng công trình, dự án không bảo đảm, ảnh hưởng về lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phân tích một cách cụ thể hơn, chúng ta thấy mối quan hệ biện chứng giữa việc phát triển kết cấu hạ tầng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Nội dung thứ nhất là vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc này rất quan trọng và thiết thực, vừa đúng chủ trương, thể hiện tầm nhìn, vừa đúng về hành động. Nội dung thứ hai là vấn đề đang rất nóng bỏng, nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân là tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng với những công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang thi công trên khắp cả nước.

Nhìn tổng thể, một vấn đề là yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước; một vấn đề là yêu cầu nội tại phải từng bước triệt xóa những “ung nhọt” của lãng phí, tiêu cực, tham nhũng làm cản trở sự phát triển, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Hai vấn đề mang hai nội hàm khác nhau nhưng có điểm chung là cùng mang lại sự phát triển cho đất nước.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, những nhiệm vụ nói trên càng thời sự khi đất nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông với các công trình trọng điểm quốc gia từ Bắc chí Nam. Đặc biệt, nguồn lực Nhà nước ta dành cho những công trình này lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đồng nghĩa là khối lượng công việc rất lớn và trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng không hề nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Với tầm quan trọng đó, trong phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được tổ chức sáng 18-11 vừa qua tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việc phát triển kết cấu hạ tầng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm chung, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, đưa việc thực hành tiết kiệm trở thành một tiêu chuẩn đạo đức, hành xử văn hóa của mọi chủ thể trong xã hội”.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở: “Tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm chung” và cũng là “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của mỗi chúng ta, mà không phải của riêng ngành nghề, lĩnh vực, cá nhân nào. Vì thế, tiết kiệm, chống lãng phí phải đi vào tiềm thức con người, trở thành thói quen trong từng công việc cụ thể và rất nhỏ như ra khỏi nhà, cơ quan, đơn vị thì tắt điện, đi công tác gọn nhẹ, giảm họp hành để giảm chi phí…; đến những việc lớn lao như làm cao tốc, xây các công trình trọng điểm, phát triển hạ tầng. Phải kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, “cha chung không ai khóc”, dự án làm chậm tiến độ, kéo dài, dẫn đến đội vốn, hệ quả là gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu cần phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành công việc hằng ngày của mỗi tổ chức, người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý... Chủ động rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.

Từ nhận thức, hành động đến hiệu quả là cả quá trình, đòi hỏi phải xuyên suốt, đồng bộ, kiên trì và thống nhất. Tinh thần đó phải được thực hiện với phương châm người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi, nghĩa vụ của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.