(HNM) - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) trình kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII lần này có nhiều điểm mới theo hướng có lợi hơn cho người bệnh, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhằm khắc phục những bất cập của Luật BHYT hiện hành, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về những thay đổi của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.
Ông Nguyễn Đức Hòa. |
Quyền lợi mở rộng, trách nhiệm người tham gia BHYT lớn
- Xin ông cho biết Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có những điểm mới gì?
- Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này có một số điểm mới rất quan trọng. Trước tiên, Dự thảo Luật quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định
của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”. Luật BHYT hiện hành đang quy định các đối tượng có “trách nhiệm” tham gia BHYT chưa đủ mạnh để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng tham gia BHYT.
Kinh nghiệm từ nhiều nước, nhất là các nước thành công về BHYT toàn dân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp… cho chúng ta thấy, chỉ có thể đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, khi quy định rõ trong Luật BHYT tính bắt buộc toàn dân phải tham gia. Tính pháp lý bắt buộc của việc tham gia BHYT có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, vì lợi ích chăm sóc sức khỏe của bản thân và xã hội.
Điểm mới tiếp theo là phân các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm theo hướng tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện và bảo đảm cho sự tham gia tốt hơn. Trước đây, luật quy định 25 đối tượng tham gia BHYT, nhưng trong dự thảo lần này đối tượng tham gia BHYT được sắp xếp thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT: Nhóm thứ nhất là do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm thứ hai là do Quỹ BHXH đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp...); nhóm thứ ba là do ngân sách nhà nước đóng (người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi...); nhóm thứ tư là được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên...) và nhóm thứ năm là người dân tự đóng.
Một điểm mới nữa là, một số đối tượng được nâng mức hưởng chế độ BHYT lên cao hơn, giảm cùng chi trả, trong đó đặc biệt lưu ý đến các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội như thân nhân người có công, người nghèo và người thuộc hộ cận nghèo. Dự thảo Luật cũng xác định quyền lợi của BHYT không chỉ phụ thuộc vào mức độ bệnh tật mà còn phụ thuộc vào thời gian người bệnh tham gia BHYT, bảo đảm công bằng, minh bạch, rõ ràng hơn...
- Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, người dân thuận lợi hơn khi tham gia BHYT, vì sẽ có nhiều đại lý BHYT hơn để người dân mua và có thể tham gia bất kỳ thời điểm nào mà họ có nhu cầu. Đặc biệt, dự thảo đã mở rộng quyền lợi được hưởng; đồng thời quy định mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình hoặc người phụ thuộc người lao động được giảm dần khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình hoặc người phụ thuộc người lao động tham gia BHYT. Nghĩa là từ người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt mức đóng chỉ bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi thì chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Luật BHYT cũng đã bổ sung người hưởng chế độ tuất hằng tháng được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH đóng, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ đến ngày trẻ nhập học lớp 1 trong năm đó.
- Vậy trách nhiệm của họ như thế nào?
- Khi người tham gia BHYT được quỹ chi trả lớn hơn, đương nhiên trách nhiệm của họ cũng phải lớn hơn. Trong đó, trách nhiệm lớn nhất của người dân là phải tham gia BHYT liên tục thì mới được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Chẳng hạn, muốn được sử dụng thuốc điều trị ung thư ngoài danh mục của Bộ Y tế quy định, người dân phải tham gia BHYT 3 năm liên tục, bởi loại thuốc này đắt tiền, chi phí rất cao. Và mức đóng BHYT của các đối tượng được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, lương cơ sở do Chính phủ quy định...
Những bất cập và giải pháp
- Có ý kiến cho rằng, trong khi 90% Quỹ BHYT phải chi cho việc KCB BHYT, nhưng số kết dư của Quỹ BHYT vẫn khá cao. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?
- Từ khi thực hiện Luật BHYT, Quỹ BHYT đã cân đối được và có kết dư, mặc dù quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được quan tâm mở rộng. Đó là do chúng ta đã tăng được diện bao phủ BHYT lên một mức đáng kể (hiện nay tỷ lệ bao phủ của Hà Nội khoảng hơn 70% dân số có thẻ BHYT), bảo đảm thực hiện nguyên lý số đông trong thực hiện chính sách bảo hiểm nói chung, BHYT nói riêng. Mặt khác, quỹ cũng được kiểm soát có hiệu quả hơn để tránh lãng phí và bảo đảm tốt quyền lợi của người bệnh. Quỹ có kết dư được chuyển vào quỹ dự phòng KCB để đề phòng những bất chắc có thể xảy ra, bảo đảm sự phát triển bền vững của chính sách và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Việc mở rộng quyền lợi và mức hưởng BHYT theo dự thảo như đã trình bày ở trên là minh chứng.
- Điều này có đồng nghĩa với việc người dân chưa mặn mà với KCB bằng thẻ BHYT hay quỹ chưa hoàn thành nhiệm vụ chi trả KCB cho người dân, thưa ông?
- Phải khẳng định rằng, sau khi quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, chi phí y tế được tăng lên, giá dịch vụ cũng tăng, sự phục vụ của ngành y tế ngày càng tốt hơn, hiện tượng người dân giấu thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh (KCB) sẽ không còn. Trước đây, ở Hà Nội tỷ lệ người tham gia BHYT chỉ có 20-30%, hiện nay đã tăng lên hơn 70% và cán cân thu viện phí của các cơ sở KCB cũng đảo chiều. Trước đây, số tiền mà Quỹ BHYT của Hà Nội thanh toán cho các cơ sở KCB đăng ký KCB BHYT chỉ bằng 30% tổng thu của các cơ sở, thì nay đã tăng lên 75%, có Bệnh viện (BV) chiếm hơn 95%. Ở BV Tim Hà Nội hầu hết bệnh nhân sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn đều có thẻ BHYT và tất cả các bệnh nhân ung thư cũng đều có thẻ BHYT. Nói chung, hầu hết bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế, kỹ thuật cao đều sử dụng thẻ BHYT...
- Hiện BHYT mới chỉ tập trung mở rộng số người tham gia, mà chưa chú ý nhiều tới chất lượng dịch vụ KCB và những tính toán bảo vệ tài chính. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nhận xét trên theo tôi là chưa công bằng. Đúng là ở đâu đó còn một vài trường hợp thực hiện chưa tốt, làm ảnh hưởng tới chính sách BHYT, nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan, chính sách BHYT đã khẳng định được chỗ đứng, vị thế trong xã hội, người dân đã nhận thức được sự cần thiết và những lợi ích khi tham gia BHYT và thực tế đã chứng minh điều này thông qua việc chúng ta gia tăng được số người tham gia. Tôi tin rằng, khi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này là cơ hội để chúng ta thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHYT. Mặc dù vậy, ngành y tế và ngành BHXH cũng nhận thức rằng, vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục để tạo thêm niềm tin, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
- Theo ông, có phải việc tham gia BHYT ở nước ta đang theo tâm lý ngược chiều, tức là chỉ khi ốm hoặc sắp ốm, người dân mới có nhu cầu mua thẻ BHYT?
- Phải khẳng định rằng, đa phần đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là khi ốm hoặc sắp ốm, mắc các bệnh nặng như ung thư, suy thận mạn, tim mạch mới mua thẻ BHYT, còn đối tượng khỏe mạnh có điều kiện chưa tham gia. Điều đó cũng được chứng minh qua việc chi trả của cơ quan BHXH cho người tham gia BHYT tự nguyện luôn cao hơn gấp 3 lần số tiền họ nộp (tức là đóng 1, chi 3), khiến Quỹ BHYT của các đối tượng này luôn âm. Đó là một trong những vấn đề bất cập cơ bản sẽ được sửa đổi trong Dự thảo Luật BHYT lần này.
- Vậy, để tiến tới BHYT toàn dân, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, cũng như BHXH Hà Nội có những quy định, giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?
- Để tiến tới BHYT toàn dân, dự thảo lần này quy định việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Trước hết trong gia đình phải chia sẻ cho nhau bằng cách tất cả mua thẻ BHYT, rồi mới chia sẻ cho người khác. Đồng thời, các đối tượng tham gia BHYT được phân theo nhóm, nhằm hạn chế tình trạng cấp trùng thẻ BHYT. Trong dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT phải xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện, bảo đảm được diện bao phủ theo mục tiêu đã được định sẵn. Đặc biệt, dự thảo quy định UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc thu và đóng BHYT của các đối tượng trên địa bàn theo hướng dẫn của tổ chức BHYT. Tỷ lệ người tham gia BHYT của từng địa phương được đưa vào một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.
Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu cho Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 17-4-2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Thông tri số 07 về việc tăng cường thực hiện chính sách BHYT trong tình hình mới trên địa bàn Thủ đô; UBND thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. BHXH TP Hà Nội đã triển khai đại lý bảo hiểm ở 100% xã, phường, thị trấn, giúp người dân thuận lợi hơn khi tham gia BHYT. Ngoài ra, tất cả các trường học đều có đại lý BHYT và đến nay, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đã đạt hơn 80%. Các đối tượng cận nghèo, nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... đều được lập danh sách tham gia BHYT. Vướng mắc nhất trong thực hiện BHYT của thành phố hiện nay là, số lao động trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia BHYT rất thấp, chiếm khoảng 24%. BHXH thành phố đã đề nghị Cục Thuế Hà Nội thường xuyên cung cấp tên, địa chỉ tất cả các doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn để BHXH căn cứ vào đó tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị tham gia BHXH, BHYT cho người lao động...
- Cơ quan truyền thông đại chúng đóng vai trò như thế nào trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân?
- Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và TP Hà Nội cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đối với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Để người dân nhận thức đúng bản chất, tính ưu việt, nhân đạo của BHYT, từ đó tích cực tham gia BHYT thì phải tăng cường công tác tuyên truyền. Bằng những ví dụ cụ thể như người dân tham gia BHYT, không may bị bệnh nặng, được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn, giúp gia đình bớt khó khăn là tuyên truyền hiệu quả nhất. Khi một gia đình nào đó không may có người mắc bệnh nặng, nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn phải chi phí hết 50-60 triệu đồng, không chịu nổi và nguy cơ tăng thêm hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương... Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành BHXH sẽ hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tiến tới BHYT toàn dân.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được Quỹ BHYT thanh toán 100% thay vì 95% như hiện nay; người thuộc hộ cận nghèo cũng được hưởng BHYT với mức tăng từ 80% lên 95%. Ngoài ra, được Quỹ BHYT thanh toán 100% khi tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả KCB trong năm bằng 6 tháng lương cơ sở; thân nhân liệt sĩ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, thay vì hưởng mức 80% như luật hiện hành; thân nhân người có công khác được Quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB, thay vì hưởng mức 80% như luật hiện hành. Quỹ BHYT cũng chi trả khi điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ mắt cho trẻ em dưới 6 tuổi; tai nạn lao động; KCB trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; KCB tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.