Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi của chủ lò và người lao động bị "bỏ quên"?

Minh Thúy| 16/08/2014 08:07

(HNM) - Đầu năm 2013, liên ngành Sở Xây dựng và Sở Tài chính TP Hà Nội dự kiến các huyện, thị xã trên toàn địa bàn sẽ hỗ trợ tháo dỡ đối với 1.000 lò gạch thủ công và hỗ trợ khó khăn, đột xuất một lần cho người lao động liên quan với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng…



Tờ trình 271/TTr-LN: SXD-TC ban hành cơ chế hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công.


Thời điểm năm 2009, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 1.700 lò gạch thủ công đang hoạt động. Theo Kế hoạch 130/KH-UBND ngày 17-10-2012 thì tiến độ phá dỡ lò gạch thủ công ở nhiều huyện, thị xã rất chậm chạp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá dỡ lò thủ công đạt tiến độ sớm nhất, ngày 11-1-2013, Sở Xây dựng và Sở Tài chính đã ban hành Tờ trình số 271/TTr-LN:XD-TC về cơ chế hỗ trợ xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, chủ lò hoàn thành tháo dỡ lò thủ công trước ngày 2-9-2012 sẽ được hỗ trợ một lần với mức 10 triệu đồng/lò; với lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện, thị xã (nơi có lò gạch) và có thời gian lao động tại lò từ 3 tháng trở lên, có hợp đồng lao động theo đúng quy định Luật Lao động… sẽ được trợ cấp khó khăn (đột xuất, một lần) trong giai đoạn chuyển đổi việc làm. Với lao động không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được trợ cấp 1 triệu đồng/người; lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo được trợ cấp 2,5 triệu đồng/người. Ngày 22-1-2013, UBND thành phố chấp thuận mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch như tờ trình của liên ngành đã nêu và nói rõ kinh phí thực hiện "sử dụng nguồn vốn ngân sách của các quận, huyện, thị xã".

Từ con số báo cáo sơ bộ ban đầu của các huyện, thị xã, Sở Xây dựng đã tổng hợp và đưa ra mức hỗ trợ dự kiến trên toàn địa bàn thành phố là 42,5 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.000 lò và 30.000 lao động được hỗ trợ. Tuy nhiên, đã gần 2 năm kể từ khi UBND thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ xóa lò gạch thủ công, nhưng đến nay hầu hết các địa phương đều chưa có con số thống kê cụ thể về số lò, số lao động đủ điều kiện để được hỗ trợ. Duy nhất, chỉ có UBND huyện Phúc Thọ có báo cáo bằng văn bản với UBND TP Hà Nội về số lượng lò gạch, số lao động đủ điều kiện để được hỗ trợ là 108 lò và 2.500 lao động với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách của huyện khó khăn nên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn nào để thực hiện. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều huyện cũng ở trong tình trạng tương tự, nhiều địa phương muốn "né" vấn đề này vì không có kinh phí thực hiện.

Ông Nguyễn Nghiêm Định, Phó phòng Tổng hợp Sở Xây dựng cho biết: Sau khi được UBND thành phố chấp thuận về cơ chế hỗ trợ xóa các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, ngày 1-2-2013, Sở đã có văn bản gửi UBND các huyện và thị xã Sơn Tây, đề nghị các địa phương căn cứ vào nội dung Tờ trình 271/TTr-LN: XD-TC để thực hiện cơ chế hỗ trợ, trợ cấp. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các huyện, thị xã chủ động liên hệ với các sở chuyên ngành để được hướng dẫn cụ thể… Tuy nhiên, không huyện, thị xã nào báo cáo về thuận lợi hay khó khăn gì (trừ huyện Phúc Thọ)…

Trong khi đó, một chủ lò gạch ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức phàn nàn: Tôi đã tự phá dỡ 8 lò gạch thủ công trong năm 2012 và trông chờ vào khoản hỗ trợ theo cơ chế mà thành phố đã ban hành, nhưng đợi mãi, không thấy cơ quan nào hướng dẫn kê khai, làm thủ tục để được hưởng nguồn hỗ trợ. Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng là nguồn động viên cho những người đã thực hiện đúng mốc thời gian xóa bỏ lò gạch thủ công mà thành phố quy định. Bên cạnh đó chúng tôi còn rất nhiều lao động sản xuất gạch thủ công mất việc làm, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng chưa được trợ cấp… Không lẽ, cơ chế hỗ trợ tốt đẹp này lại bị phần lớn các huyện, thị xã "ỉm" đi, để rồi niềm tin của người lao động vào cơ chế, chính sách bị hao mòn?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi của chủ lò và người lao động bị "bỏ quên"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.