(HNM) - Thời gian qua, trên thị trường liên tục xảy ra các vụ việc vi phạm, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng như xăng pha kém chất lượng, sữa nhiễm melamine, thịt lợn có chất tạo nạc bị cấm, mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng...
Thịt lợn có chất tạo nạc đã ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy |
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng, vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại đang nóng lên từng ngày khi số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Từ đầu năm 2012 đến nay, riêng Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 2.859 vụ, xử lý 2.597 vụ vi phạm, trong đó có 430 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; 171 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 397 vụ vi phạm nhãn hàng hóa; 850 vụ vi phạm đăng ký kinh doanh... với tổng trị giá hàng tịch thu sung công quỹ gần 10,2 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 7 tỷ đồng. Tập trung kiểm tra thị trường theo Chuyên đề 524/CĐ-QLTT ngày 4-4-2012 của chi cục tại một số tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chỉ trong ngày 6-4, các đội QLTT số 2, 4, 14, 15 đã phát hiện, xử lý 17 vụ vi phạm, thu giữ 1.059 sản phẩm hàng hóa như áo phông, giày dép, thắt lưng, ví da… giả các nhãn hiệu Lacoste, Nike, Gucci, Adidas… cùng 200 áo phông khác là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ. Các ngành công an, y tế, thú y, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng… thời gian qua cũng tham gia và thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát thị trường theo chức năng, nhiệm vụ đã thu được nhiều kết quả.
Có một thực tế là dù đã hình thành mạng lưới các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng (NTD) rộng khắp cả nước nhưng hiệu quả hoạt động của tổ chức này lại chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa công tác bảo vệ NTD. Các cơ quan chức năng thì cứ tiến hành các hoạt động kiểm tra kiểm soát nhằm làm lành mạnh hóa thị trường còn bảo vệ quyền lợi NTD thế nào lại như không phải là mục đích cuối cùng. Trong khi đó thì theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD dù được quy định khá cụ thể như được độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo NTD về hàng hóa, dịch vụ, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD… song điều kiện để thực hiện được lại không được quy định cụ thể. Nhất là khi bản thân tổ chức này đang phải độc lập hoạt động, thiếu thốn cả về con người, cơ sở vật chất (nhất là các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thử nghiệm, xét nghiệm), phải tự "tìm" kinh phí nuôi sống bộ máy lẫn duy trì hoạt động (chỉ khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí). Điều này đặt ra vấn đề là Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính, trong đó có việc cấp ngân sách cho hoạt động của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng như việc thể chế hóa rõ hơn, cụ thể hơn về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức này.
Để hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay phù hợp với sự phong phú, đa dạng của công tác bảo vệ NTD cũng như phát huy được sức mạnh xã hội trong hoạt động này nhất là khi nó đã được "luật hóa" đang là yêu cầu bức thiết của NTD hiện nay. Theo kinh nghiệm của các nước có hoạt động thị trường ổn định, tuân thủ pháp luật, tổ chức bảo vệ NTD rất được đề cao, được xác định là "con mắt của xã hội" để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi đó. Ngoài ra, pháp luật bảo vệ NDT các nước đều trao cho tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD các quyền được kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa dịch vụ trên thị trường từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu dùng và cả "hậu kiểm" khi đã tham gia bảo vệ quyền lợi NTD bằng các hoạt động thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra tòa án. Ở nước ta, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD cũng rất cần có những quyền như vậy.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 và được coi là cơ chế thực sự hữu hiệu để bảo vệ NTD. Việc đã hình thành một cơ chế cho phép tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng đối với các hành vi vi phạm quyền lợi của NTD là một động lực mới, sẽ hạn chế được việc NTD chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi mua phải hàng hóa hoặc được hưởng dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng với giá trị đồng tiền và công sức bỏ ra. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế xã hội, cái "uy" của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, khiến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nể sợ mà không dám vi phạm hoặc nhanh chóng khắc phục hậu quả vi phạm.
Người tiêu dùng mong muốn Nhà nước trao thêm quyền cho tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Việc này cũng giống như có thêm "con mắt sáng" để quan sát, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, vừa giúp Nhà nước tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý, vừa bảo vệ quyền lợi NTD một cách hữu hiệu, đầy đủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.