Tôi và anh trai sống chung trên một mảnh đất. Tôi ở phía trong và hai nhà có một lối đi chung. Gần đây, anh tôi đột nhiên xây công trình phụ bịt mất lối đi. Tôi đã đề nghị UBND xã giải quyết nhưng hòa giải không thành. Đề nghị Quý báo cho biết, tôi phải làm gì để có lối đi riêng và cơ quan nào có thể giải quyết việc này? Kiều Văn Sơn (Quốc Oai, Hà Nội)
Tôi và anh trai sống chung trên một mảnh đất. Tôi ở phía trong và hai nhà có một lối đi chung. Gần đây, anh tôi đột nhiên xây công trình phụ bịt mất lối đi. Tôi đã đề nghị UBND xã giải quyết nhưng hòa giải không thành. Đề nghị Quý báo cho biết, tôi phải làm gì để có lối đi riêng và cơ quan nào có thể giải quyết việc này?
Kiều Văn Sơn (Quốc Oai, Hà Nội)
Luật gia Hoàng Xuân Hiến (Email: hoangxuanhienqo@gmail.com; ĐT: 0983351928) trả lời:
- Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý (Điều 273 - Bộ luật Dân sự).
Về vấn đề quyền có lối đi riêng được quy định tại Điều 275- Bộ luật Dân sự như sau: Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
Căn cứ vào quy định trên, theo thông tin ông Kiều Văn Sơn cung cấp, ông hoàn toàn có quyền yêu cầu anh trai mở cho ông một lối đi riêng ra đến đường công cộng. Tuy nhiên, ông cũng có nghĩa vụ đền bù cho anh trai ông một giá trị nhất định. Thông thường, hai bên tự thỏa thuận về giá đền bù, nhưng nếu không thỏa thuận được, như trong trường hợp của ông không hòa giải ở xã được, thì ông có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết. Phán quyết của tòa án là phán quyết có hiệu lực pháp luật mà các bên phải tuân theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.