Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quỹ Trái tim nhân ái: Hơn một thập kỷ xóa đói giảm nghèo

Thuận Thi| 19/04/2016 07:01

(HNM) - Kể từ khi

Giải ngân vốn vay cho các hộ nghèo huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).


Những dự án hướng về cộng đồng đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho nông dân mọi vùng, miền bởi thực sự giúp người dân xóa nghèo bền vững, giúp con em của họ không phải bỏ học giữa chừng vì nghèo.

Tháng 4-2004, sau khoảng thời gian dài khảo sát, xây dựng mô hình và chuẩn bị, dự án đầu tiên của "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo" do BAT Việt Nam tài trợ phối hợp cùng Báo Hànộimới đã được triển khai tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với 83 hộ dân nghèo được vay bò. Sau Sóc Sơn là nhiều địa phương khác đã nhận được sự hỗ trợ từ dự án như Cổ Bi (Gia Lâm), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Quảng Yên (Quảng Ninh)...

Cần phải nói thêm: Vào thời điểm đó, những đồng vốn đến với người dân rất kịp thời, thêm nữa họ lại không phải trả lãi. Những hộ được vay vốn còn được tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, cách thức bảo toàn nguồn vốn... Mỗi kỳ triển khai vốn vay, địa phương phải bình xét, chọn lựa bởi nhiều nhà muốn được vay nguồn vốn không lãi. Mỗi địa phương vay 5-7 chu kỳ, mỗi chu kỳ 12 tháng.

Sau 5 năm thí điểm, năm 2010, "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo" quyết định tài trợ tiền để các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau xây cầu bê tông nhằm xóa bỏ cầu khỉ ở một số địa phương trong tỉnh. Sau 6 tháng khẩn trương xây dựng, những cây cầu mới đã giúp cho bà con và trẻ nhỏ đi lại thuận tiện hơn, giảm đáng kể mối họa đuối nước ở trẻ.

Cũng trong năm đó, 3 dự án mới của "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo" được triển khai ở những vùng trọng điểm về buôn lậu sát biên giới là Tịnh Biên (An Giang), Mỹ Quý Đông (Long An) và Hướng Hóa (Quảng Trị). Song song với việc cho nông dân vay vốn, dự án còn kết hợp cùng lực lượng biên phòng tập huấn giúp người dân hiểu thêm về luật pháp, về kiến thức nhằm giúp người dân bỏ thói quen buôn lậu qua biên giới, chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt. Bà Phan Thị Châu Hoàng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Huệ (Long An) khi nói về dự án đã khẳng định: "Nhờ sự hỗ trợ vốn vay đã giúp cho chị em có việc làm tại gia đình, giảm bớt thời gian nhàn rỗi, góp phần ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng 869 mở lớp tập huấn cho cán bộ hội viên về phòng chống buôn bán thuốc lá lậu qua biên giới".

Mới đây, Ban Quản lý dự án đã tiến hành tổng kết và thu hồi dự án tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đây là hai địa phương nắm giữ nguồn vốn lâu nhất, tới 11 năm. Tại Vĩnh Bảo, 11 chu kỳ được triển khai ở 8 xã, giúp 708 lượt hội viên phụ nữ được vay vốn, trong đó, 231 lượt là hộ nghèo, 312 lượt thuộc hộ cận nghèo và 165 lượt hộ thuộc gia đình khó khăn. Theo thống kê, trong gần 12 năm dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động có việc làm thường xuyên, 155 hộ thoát nghèo và 123 hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,23% năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Bảo cho biết: Dự án được đánh giá là ưu việt nhất trong các dự án mà hội đang quản lý bởi các hội viên không phải chịu lãi vay. Từ đó, các thành viên đã làm ra số lãi trên 3 tỷ đồng. Điển hình trong số đó phải kể tới chị Nguyễn Thị Hoa ở Chi hội Hà Phương 3, xã Thắng Thủy. Năm 2008, chị Hoa được vay 5 triệu đồng để nuôi lợn và thả cá. Ngay trong năm đầu, chị Hoa đã xuất chuồng trên 1 tấn thịt lợn và cá thu lãi gần 8 triệu đồng. Chị Vũ Thị Loan, xã Hòa Bình, năm 2005 được vay 4 triệu đồng đã mua 5 dê nái. Sau một năm đàn dê sinh thêm 4 con, chị bán cả đàn thu về 10,8 triệu đồng và chuyển đổi sang mua 2 con bò trị giá 9 triệu đồng. Số vốn còn lại chị dành tu sửa chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi.

Sau hơn 10 năm triển khai dự án "Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo" đã có những địa phương rút vốn để luân chuyển sang nơi khác như Sóc Sơn, Cổ Bi (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Tiên Lữ (Hưng Yên), Tịnh Biên (An Giang), Điện Biên và mới đây là Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và Hiệp Hòa (Bắc Giang). Có thể nói, chừng ấy thời gian những người thực hiện dự án và nhà tài trợ đã luôn sâu sát, chọn đúng địa phương, đúng đối tượng cần vốn và tìm ra những mô hình thích hợp nhất, góp phần giúp địa phương và cá nhân từng bước thoát nghèo. Hơn một thập kỷ gắn bó với nông dân, những "cây cầu" nhân ái từ Báo Hànộimới đã và đang được nối dài, vươn xa để góp phần nhiều hơn nữa vào công tác xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Trái tim nhân ái: Hơn một thập kỷ xóa đói giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.