(HNM) - Nếu như năm 2016, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 27 điểm ùn tắc giao thông (UTGT) vào giờ cao điểm, thì năm 2017 dự báo tình trạng này có nhiều diễn biến phức tạp hơn khi mới đây, Sở GT-VT thành phố đưa ra 37 điểm có nguy cơ UTGT.
Nguy cơ ùn tắc thường trực
Theo kế hoạch, năm 2017, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng mới 25km đường, với diện tích tăng thêm 440.000m2; đưa vào sử dụng 10 cây cầu mới; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt hơn 9% đất đô thị toàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GT-VT triển khai xây dựng các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Thế nhưng, theo Sở GT-VT thành phố, dù triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch nhưng nguy cơ UTGT vẫn thường trực tại 37 điểm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh, gần đây trên nhiều tuyến đường hướng tâm, trục ra vào khu vực cảng hàng không, cảng biển, trung tâm thành phố trở nên quá tải, mật độ phương tiện gia tăng, khiến vận tốc lưu thông giảm, di chuyển khó khăn.
TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và phát triển đô thị là nguyên nhân quan trọng. Đó là tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông vận tải còn quá thấp (chỉ chiếm khoảng 7-8% đất đô thị), trong khi việc phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, cao ốc không gắn liền với phát triển giao thông.
Theo nhiều chuyên gia, lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng nhưng chưa có chính sách kiềm chế (giai đoạn năm 2010-2016, tăng là 8,4%/năm) gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông đô thị. Trong khi, vận tải hàng hóa bằng đường bộ vẫn là chủ yếu, giao thông đường thủy chưa phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu chưa cao. Công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT còn nhiều hạn chế: Hệ thống các cơ chế, chính sách quản lý và phát triển giao thông đô thị còn chồng chéo; lực lượng kiểm tra, kiểm soát (thanh tra, cảnh sát giao thông…) chưa đáp ứng khi địa bàn quá rộng; chưa xây dựng được phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát khoa học, hợp lý...
Quyết tâm tạo chuyển biến
Về giải pháp, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở cùng các cơ quan có liên quan sẽ phối hợp để có nhiều giải pháp thực hiện về công trình và phi công trình. “Năm nay, TP Hồ Chí Minh làm kế hoạch rất cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu, do vậy chắc chắn công tác kiểm soát UTGT sẽ tốt và số khu vực có nguy cơ ùn tắc sẽ giảm cả về tần suất lẫn mức độ”, ông Lâm nêu rõ.
Cũng theo đại diện của các quận, huyện và sở, ngành thành phố cần triển khai phương án lệch ca, lệch giờ học, giờ làm; tăng cường cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình giao thông lên hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, giúp người điều khiển phương tiện có thể lựa chọn lộ trình phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu chính quyền quận, huyện và sở, ngành của thành phố chỉ đạo các lực lượng có liên quan tăng cường công tác lập lại trật tự lòng, lề đường trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án giao thông; tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.