Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan tư pháp để xảy ra án oan

Vân An| 05/06/2015 16:19

(HNMO) - Ngày 5/6, Quốc hội đã dành gần trọn thời gian để thảo luận ở hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.


Qua 25 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội đã chọn một chuyên đề giám sát đúng, trúng. Tình hình án oai sai  là một thực tế, gây bức xúc cho xã hội.

Các đại biểu đánh giá cao kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như sự hợp tác của các cơ quan chính phủ, địa phương liên quan, đồng thời tán thành với nội dung của báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban cân nhắc và làn rõ thêm một số thông tin để đánh giá tình hình chung chính xác hơn.

Theo các đại biểu, trước tình hình tội phạm gia tăng trong những năm gần đây với thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, cơ quan tố tụng đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản, việc điều tra, xét xử các vụ án đã đảm bảo đúng người, đúng tội, nhưng so với yêu cầu về cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013, công tác tố tụng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các đánh giá về nguyên nhân gây oan sai trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến nguyên nhân về số lượng tin báo lớn, trong khi thời gian quy định xử lý theo pháp luật tối đa là 2 tháng nên việc xử lý chưa thật toàn diện, khách quan; áp lực công việc của các cán bộ liên quan đến quá trình tố tụng lớn; bệnh thành tích vẫn còn; công tác giám định có nhiều hạn chế; đội ngũ luật sư chưa đáp ứng đủ tình hình thực tế…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh nhận xét, án oan, sai là nghiêm trọng, mà nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra – viện kiểm sát – toà án có hiệu lực không cao, có tình trạng xuê xoa cho nhau...

Để khắc phục tình trạng án oan, sai, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự, tư pháp, bộ luật hình sự, đồng thời nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng cán bộ cho các cơ quan tư pháp, đề cao vai trò của thủ trưởng các cơ quan tư pháp, trách nhiệm củ các cơ quan trong trường hợp để xảy ra oan sai.



Theo đại biểu Trần Đình Nhã – Thừa Thiên Huế, nhiều vụ án oan có nguyên nhân từ giám định. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ phải dành ngân sách thỏa đáng cho giám định tư pháp.

Các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng, Nguyễn Minh Kha – Cần Thơ nhận xét, tỷ lệ án oan sai tuy không nhiều nhưng để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhiều vụ oan sai do yếu tố chủ quan của con người. Những vụ án oan sai chủ yếu do công tác khám nghiệm hiện trường yếu, thu thập chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ khác nhau… Do đó, cCác cơ quan phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình, phải đào tạo được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, nếu không thì sẽ vẫn tiếp tục có oan sai.


Đại biểu Đỗ Thị Hoàng – Quảng Ninh đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải tìm ra các kẽ hở pháp luật, rút ra các bài học dẫn đến án oan sai, ban hành những văn bản luật, pháp luật liên quan thật chặt chẽ, đầy đủ, có cơ chế phối hợp giữa các ngành trong hoạt động tố tụng trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đảm bảo quyền công dân, con người.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định, Bộ đã quán triệt đến tất cả các đơn vị trong ngành các biện pháp chống oan, sai với phương châm nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp nghiêm khắc, số vụ án oan, sai đều giảm hàng năm. Tuy nhiên, điều tra hình sự vẫn còn sai sót, thậm chí vẫn còn bức cung nhục hình, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tốt tụng, gây bức xúc trong xã hội.

Với những cán bộ điều tra dùng nhục hình, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ tháng 1/2011 đến nay, đã có 20 cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, xử lý do vi phạm quy trình hoạt động tư pháp.

Theo Bộ trưởng, biện pháp ngăn chặn việc bức cung, dùng nhục hình là phải đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành đẩy đủ quy định nghiệp vụ của cán bộ điều tra, cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện sớm sai phạm để chặn từ đầu những dấu hiệu làm oan, sai. Bộ Công an đã yêu cầu thủ trưởng CQĐT các cấp chấn chỉnh nghiêm những trường hợp cán bộ điều tra vi phạm, kiên quyết điều chuyển người sai phạm ra khỏi ngành, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu khi để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan tư pháp để xảy ra án oan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.