(HNM) - Việc Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng dự thảo hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD) và lấy ý kiến đóng góp đặt ra hy vọng giảm bớt hiện tượng tiêu cực trong việc thu - chi quỹ của BĐD. Liệu khi hiệu trưởng chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức thay mặt phụ huynh học sinh, tình trạng lạm thu sẽ được kiểm soát ?
Việc Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng dự thảo hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD) và lấy ý kiến đóng góp đặt ra hy vọng giảm bớt hiện tượng tiêu cực trong việc thu - chi quỹ của BĐD. Liệu khi hiệu trưởng chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức thay mặt phụ huynh học sinh, tình trạng lạm thu sẽ được kiểm soát ?
"Thừa giấy vẽ voi "?
Giải bài toán lạm thu ở các nhà trường là việc không dễ giải quyết. Ảnh: Thái Hiền
Theo Điều lệ BĐD do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 28-3-2008 và Quyết định số 6585/SGD&ĐT-KHTC của Sở GD-ĐT Hà Nội ngày 20-8-2010 hướng dẫn về việc tăng cường quản lý thu - chi thì những khoản đóng góp của CMHS cho BĐD là khoản đóng góp tự nguyện, không bắt buộc; phụ huynh có quyền từ chối những khoản đóng góp mà BĐD lớp/trường yêu cầu nếu không bảo đảm theo nguyên tắc tự nguyện.
Không ít nơi, thực tế lại khác. Từ việc bầu ra BĐD trong lớp, tới việc đề ra các khoản thu, mức thu mà không biết đã bàn thảo, thỏa thuận từ khi nào - với cái "mũ" là phục vụ cho việc dạy - học của thầy và trò trong lớp tốt hơn. Như chia sẻ trên một diễn đàn của một phụ huynh có con học THCS ở quận Tây Hồ, là làm như "sự đã rồi" rằng "chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất…" khiến ít ai có cơ hội hoặc dũng cảm nói lại. Không có lựa chọn khác, song không ít phụ huynh cảm thấy không thoải mái.
Trả lời phỏng vấn báo chí, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: Không gì quan trọng trong tiền bạc bằng sự minh bạch. Mọi sự nghi ngờ là vì không minh bạch. Phụ huynh bức xúc là vì người ta không tin tưởng, họ thấy sự không minh bạch, họ không biết số tiền họ đóng góp được chi tiêu như thế nào.
Thực tế, quỹ phụ huynh lớp thường để lo các hoạt động trong phạm vi lớp, còn quỹ phụ huynh trường để dùng cho các hoạt động lớn hơn và động viên, thăm hỏi những thành viên khác trong trường khi cần thiết như ban giám hiệu, tổng phụ trách, cán bộ văn phòng… nhằm động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về quy trình, khi đưa ra một khoản thu thỏa thuận, trước hết BĐD phải phổ biến cụ thể về nội dung, hình thức cần hỗ trợ, từ đó lấy ý kiến của các thành viên về mức thu và thống nhất nội dung chi. Tuy nhiên, ít nơi nào làm được như thế. Vậy mới nảy sinh thắc mắc về việc có hai loại quỹ (quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp) song mục đích sử dụng na ná nhau, cùng để chăm lo, thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo trong các dịp lễ, ốm đau, hiếu hỷ; tặng phần thưởng cho HS giỏi; chi cho các hoạt động chung của giáo viên - HS…
Cũng chính vì sự không minh bạch đó mà không ít người nghĩ rằng, quỹ phụ huynh chỉ dùng với mục đích chăm lo vật chất cho giáo viên. Thông thường, mỗi năm giáo viên được thăm hỏi vào hai dịp là Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và Tết âm lịch, nơi chu đáo hơn thì có thêm Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Phần quà cho mỗi giáo viên chủ nhiệm khoảng 400.000 - 500.000 đồng, mỗi giáo viên bộ môn khoảng 200.000 đồng, tuy nhiên có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng địa bàn. Cùng ở địa bàn quận Long Biên, tính trung bình mỗi lớp 50 HS, với mức đóng quỹ phụ huynh của Trường Tiểu học Thạch Bàn là 80.000 đồng/HS thì mỗi lớp có 4 triệu đồng; 170.000 đồng/HS (cả hai loại quỹ trường và lớp) của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ thì mỗi lớp có 8,5 triệu đồng. Với số tiền đó, ở cấp tiểu học thường chỉ có giáo viên chủ nhiệm và khoảng 3-4 giáo viên bộ môn, việc chi tiêu cho thầy cô giáo và các hoạt động của lớp (khen thưởng cuối mỗi học kỳ trong năm học) liên hoan, lo chuyện thăm hỏi các con khi ốm đau... thì còn khá ổn. Nhưng cùng số tiền đó, ở cấp THCS, THPT, lo cho các hoạt động của trường, của lớp là không hề đơn giản khi mỗi lớp có trên dưới 10 giáo viên dạy các bộ môn. Tuy nhiên, chưa hề có một mức "trần" quy định cho việc này, do đó việc thu - chi là... tùy hứng của BĐD lớp. Một phụ huynh có con học lớp 8 ở nội thành cho biết, các khoản đóng cho trường chỉ có 740.000 đồng song BĐD lớp thu luôn 1,5 triệu cho "tròn" và 760.000 đồng kia là để làm quỹ phụ huynh.
Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm
Để giải quyết bài toán lạm thu ở các nhà trường, một trong những giải pháp mà Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra trong năm học 2010-2011 này là tập trung chấn chỉnh hoạt động của BĐD. Với mức thu theo quy định đã lạc hậu (từ năm 2000) cùng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi các nhà trường phải không ngừng nỗ lực, nhiều hoạt động phải nhờ vào sự hỗ trợ của CMHS như tổ chức ăn bán trú, trông trưa… Vài năm trước, để quản lý việc thu - chi trong các nhà trường, Hà Nội đã từng xây dựng quy trình "3 chữ ký, 4 con dấu" tức là việc triển khai các khoản thu thỏa thuận phải có sự đồng ý của cấp quản lý. Song, việc làm này không nhận được sự đồng thuận vì không khả thi.
Dự thảo hướng dẫn hoạt động của BĐD, trong đó thể hiện rõ quan điểm phân cấp mạnh cho cơ sở, giao hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu - chi của đơn vị mình được kỳ vọng là sẽ cải thiện được tình hình lạm thu đang gây bức xúc trong dư luận. Văn bản nêu rõ nguyên tắc tổ chức của BĐD (cấp lớp, cấp trường), quy định những hoạt động trực tiếp, phối hợp của tổ chức này với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường trong việc quản lý, giáo dục HS, thăm hỏi động viên cán bộ giáo viên, tham gia vào các hoạt động chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.
Hoạt động của BĐD được thể hiện toàn diện ở mọi mặt hoạt động, không chỉ ở việc góp phần cải thiện điều kiện môi trường dạy - học, sinh hoạt cho giáo viên, HS mà còn có nhiệm vụ cùng nhà trường quản lý, giáo dục HS yếu, kém, động viên HS giỏi, quan tâm, chăm lo cho giáo viên… Riêng về hoạt động thu - chi - vấn đề nhạy cảm nhất đối với dư luận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh cho biết: Lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu BĐD lớp không tùy tiện đặt ra các khoản thu - chi không đúng quy định; chủ động giám sát các hoạt động thu - chi bằng hình thức thỏa thuận hay tự nguyện và phải có sự quản lý tài chính theo quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, ngay cả khi quy định hướng dẫn hoạt động của BĐD bắt đầu có hiệu lực, hiệu quả đến đâu còn phải đợi thời gian kiểm nghiệm. Song động thái này phần nào cho thấy sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.