(HNM) - Bằng sự nỗ lực từ nhiều phía, việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn canh cánh nỗi lo trước hàng loạt vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (KT&BVCTTL) gây ảnh hưởng lớn đến việc trữ nước chống hạn. Trong khi đó, việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm rất khó khăn do chính quyền cơ sở không quyết liệt.
Vi phạm chồng lên vi phạm
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, trên hệ thống công trình thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đang quản lý trở thành điểm "nóng" về vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL. Riêng hệ thống trục chính sông Nhuệ qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên và quận Hà Đông tồn tại 4.687 vụ vi phạm (1.811 vụ vi phạm trước năm 2003; 1.536 vụ vi phạm giai đoạn 2003-2007; còn lại là số vụ vi phạm mới phát sinh). Hệ quả là lòng sông Nhuệ bị thu hẹp, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Từ địa phận tiếp giáp với quận Hà Đông đến hết địa phận xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình lấn chiếm, đổ phế thải... tràn lan khiến sông Nhuệ chẳng khác gì con mương đang thoi thóp. Đoạn từ cầu Đen ngược lên phố Thanh Bình (quận Hà Đông), tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa vươn ra lòng sông khá nhiều. Dọc hai bên bờ sông còn xuất hiện tình trạng người dân khai hoang đất trồng rau, làm rào chắn, trồng cây làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát lũ. Hệ thống thủy lợi thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đang quản lý bị ảnh hưởng bởi hàng nghìn vụ vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL chưa được giải quyết. Bên cạnh đó là các vụ lấn chiếm lòng hồ gây bức xúc trong dân. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Thanh Mão, thôn Đồng Sương, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình san ủi lấn chiếm 1.253m2 hồ Đồng Sương (Chương Mỹ), ông Nguyễn Văn Khải cũng ở địa phương này lấn chiếm 5.000m2. Tại hồ Văn Sơn, ông Đỗ Đình Hùng, thôn Đông Nam, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ lấn chiếm 1.487m2, trong đó 193m2 đã xây dựng nhà ở cấp bốn...
Bèo trên mặt sông và chất thải đổ bừa bãi gây cản trở dòng chảy sông Đáy. |
Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hà Nội về tình trạng vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL khiến nhiều người phải suy nghĩ. Tính đến tháng 8-2010, toàn thành phố có 12.815 vụ vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL. Hằng năm, các địa phương đều ra quân giải tỏa công trình xây dựng trái phép, nhưng sự nỗ lực trong thời gian dài cũng chỉ giúp giải quyết được 1.561 vụ vi phạm. Riêng hai năm (từ tháng 8-2008 đến tháng 8-2010) mới giải tỏa dứt điểm được 57 vụ, tập trung tại các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất và quận Long Biên, chẳng đáng là bao so với số vụ vi phạm đang tồn tại. Trong khi đó, vi phạm mới liên tục phát sinh, riêng tháng 10-2010, toàn thành phố phát sinh 208 vụ vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL, tháng 12-2010 là 84 vụ. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng số vụ vi phạm mới phát sinh vẫn diễn ra với mức độ khá phức tạp.
Chẳng lẽ bó tay?
Sở dĩ việc xử lý vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL gặp khó như hiện nay trước hết là do chính quyền sở tại chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, kể cả vi phạm cũ và mới phát sinh dù UBND TP và ngành nông nghiệp liên tục có văn bản đôn đốc. Trong xử lý giải tỏa công trình vi phạm, nhiều địa phương còn nặng về hình thức, ra quân theo phong trào và thiếu các biện pháp xử lý mang tính răn đe. Mặt khác, việc tuyên truyền chưa tạo hiệu quả, bởi đến nay nhiều người vẫn không hiểu gì về Pháp lệnh KT&BVCTTL. Do đó, các cơ quan quản lý không thể đổ lỗi hoàn toàn về phía người dân.
Thực tế, tại một số điểm "nóng" vi phạm Pháp lệnh KT&BVCTTL như: Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì và quận Hà Đông..., chính quyền sở tại đang loay hoay, chưa tìm ra biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp vi phạm xảy ra trên phần đất hợp pháp của dân nằm trên đất công trình thủy lợi, hay đối với loạt công trình, nhà cửa kiên cố được xây đã lâu, đòi hỏi kinh phí giải tỏa lớn. Với những vi phạm mới, nhiều nơi vấp phải sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vi phạm... Trong khi đó, việc cắm mốc giới bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi cũng chưa được quan tâm, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo chúng tôi, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi tràn lan là do các cấp chính quyền xử lý không quyết liệt. Hiện nay, hình thức xử lý chủ yếu chỉ là phạt hành chính vài trăm nghìn đồng theo thẩm quyền rồi cho tồn tại nên người vi phạm "nhờn" luật. Để giải quyết tình trạng này các cấp chính quyền cần có sự chỉ đạo quyết liệt, quy trách nhiệm quản lý cụ thể. Mỗi địa phương cần triển khai quyết liệt, làm điểm ở một vài nơi có vi phạm nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh, nhất là các trường hợp người vi phạm là cán bộ hoặc người nhà của cán bộ huyện, xã, lấy đó làm gương và xử lý các trường hợp vi phạm khác trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.