(HNM) - Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận lớn, trong khi việc xử lý các vụ vi phạm mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, nên chưa đủ sức răn đe.
Người tiêu dùng khó nhận biết mỹ phẩm giả được bày bán tại các quầy hàng nhỏ lẻ. Ảnh: Khánh Nguyên
Thời gian qua, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) mỹ phẩm các loại là hàng giả, hàng lậu, quá hạn sử dụng… Trong đó có nhiều hàng giả sản phẩm của những nhãn hiệu nổi tiếng như L'Oreal, Dior, Channel, Nivea, Olay, Head&Shoulder… và các nhãn hiệu uy tín khác trong nước. Hàng giả nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… được in ấn sắc nét, bao bì hiện đại, nên có rất ít điểm khác so với sản phẩm chính hãng, khiến người tiêu dùng (NTD) khó nhận diện. Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 300 cơ sở SXKD mỹ phẩm và 475 cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số mà các ngành chức năng nắm được. Còn hàng loạt cửa hàng nhỏ lẻ nằm trong các chợ dân sinh, chợ đầu mối, cùng nhiều shop mỹ phẩm được quảng cáo là "hàng xách tay" vẫn nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng. Đó là chưa kể đến hình thức bán hàng qua mạng đang rất phổ biến và đây cũng là nơi tiêu thụ một lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát. Mới đây, khi kiểm tra hàng bán qua các mạng trực tuyến, L'Oreal Việt Nam đã phát hiện toàn bộ số mỹ phẩm mang thương hiệu Lancôme, L'Oreal, Maybeline, Vichy… của tập đoàn đều là sản phẩm giả, gây nguy hại đến sức khỏe cho NTD khi sử dụng. Giá của các sản phẩm giả trên mạng đều giảm 50-70% so với giá thật của hãng. Theo đại diện L'Oreal Việt Nam, để mua được sản phẩm chính hãng, NTD nên mua tại các siêu thị như Big C, Co.op Mart, Parkson. Trước đó, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã phối hợp bắt giữ gần 3 tấn mỹ phẩm giả nhãn mác Tây Ban Nha tại Công ty TNHH Thương mại Đồng Phát Hong Kong, số 14B, ngõ 61/10 phố Lạc Trung…
Hàng thật, hàng giả lẫn lộn đã khiến không ít NTD phải gánh chịu hệ lụy khi làm đẹp. Vì là mỹ phẩm giả nên những thành phần trong sản phẩm không được kiểm định nên nguy cơ bị dị ứng cao hơn rất nhiều so với mỹ phẩm thật và không ít trường hợp phải nhập viện vì dị ứng mỹ phẩm. Ngoài những triệu chứng thường gặp như da bị mẩn ngứa, mọc mụn, viêm da, rụng tóc… thì các triệu chứng khác như da đỏ rộp do mỹ phẩm có chứa corticoids, rối loạn sắc tố, thâm đen do hàm lượng kim loại nặng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế công tác xử lý mỹ phẩm giả mới chỉ tập trung vào việc xử lý hàng nhập lậu. Các vụ xử lý về chất lượng còn rất hạn chế do khó khăn về giám định, nhất là thông tin về hoạt chất không được phép sử dụng. Trong khi đó, việc quản lý mặt hàng của các ngành chức năng còn chồng chéo. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là cơ quan quản lý về chất lượng, cấp phép lưu hành nhưng lại không theo dõi; lực lượng QLTT, thanh tra y tế chỉ kiểm tra, xử lý theo đợt, còn cấp cơ sở là đơn vị sát sao nhất thì lực lượng lại mỏng. Hơn nữa, ở nước ta không có sự phối hợp của các thương hiệu giúp lực lượng chức năng phân biệt hàng thật, hàng giả. Cùng với đó là nhu cầu được dùng các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng mà chưa có những hiểu biết nhất định về sản phẩm của NTD đã tạo điều kiện cho giới kinh doanh mỹ phẩm dễ đánh tráo hàng thật để tăng lợi nhuận.
Để ngăn chặn mỹ phẩm giả, Chi cục QLTT Hà Nội đã tăng cường kiểm soát đầu mối phân phối thị trường, các tuyến vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu, không để mỹ phẩm giả bày bán trên thị trường. Đồng thời, cấp có thẩm quyền cần sớm bổ sung việc kinh doanh mặt hàng này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Một vấn đề cấp bách là phân công trách nhiệm cụ thể đến các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm nghiệm để có kế hoạch kiểm soát chất lượng mỹ phẩm và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp SXKD trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật. Và quan trọng hơn cả là sự đồng thuận tẩy chay hàng giả của NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.