Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an và địa phương đề xuất giải pháp mạnh, phù hợp nhằm tiếp tục hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý II/2011.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an và các địa phương đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tại nạn giao thông và ùng tắc giao thông; Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Thực tế là vấn đề giao thông, nhất là biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn luôn là một trong những vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bởi số liệu năm 2009 cho thấy, cả nước xảy ra 252 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, tăng 111 vụ (78,7%) so với năm 2008, trong đó Hà Nội xảy ra 101 vụ, TP. HCM có 78 vụ. Còn tính riêng 3 tháng đầu năm 2010, trong 50 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài trên 1 giờ xảy ra trên cả nước thì 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM chiếm gần nửa (24 vụ).
Đến hết tháng 11/2010, số vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút của TP.HCM đã giảm gần 35% so với cùng kỳ năm 2009, chỉ còn 45 vụ; số người chết cũng giảm được 66 người (11 tháng đầu năm có 784 người chết).
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ùn tắc như quỹ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp, quy hoạch giao thông đô thị, tổ chức giao thông còn bất hợp lý, phương tiện cá nhân phát triển tùy tiện, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, quản lý đường bộ phân tán...
Vì thế, bài toán giảm ùn tắc giao thông đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.