(HNM) - Thời gian qua, ngành chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khó nhiều bề, nhiều hộ chăn nuôi đang kiệt sức, thậm chí phá sản. Không ít chuyên gia cho rằng, nội tại ngành chăn nuôi Việt Nam đang
Nghịch lý
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2010 khoảng 1,3 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên liệu nhập nhiều, sản phẩm tồn kho cũng rất lớn. Tháng 7, lượng TĂCN tồn kho tăng trên 100% so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 170%. Dự báo, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn sẽ còn tác động rất lớn đến việc tiêu thụ TĂCN trong tháng 8 và tháng 9 này, dự báo sức tiêu thụ sẽ giảm thêm ít nhất 15%.
Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, những tháng gần đây giá nguyên liệu trên thế giới giảm đáng kể so với đầu năm do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung dồi dào. Chẳng hạn, giá khô dầu đậu tương đã giảm 34 USD/tấn, còn 330 USD/tấn. Theo giới chuyên môn, thời điểm này là cơ hội để các DN giảm giá TĂCN do giá nguyên liệu thế giới đã giảm khá mạnh như đậu nành từ 10.500 đồng/kg giảm xuống còn 8.700 đồng/kg, hoặc lúa mì giảm 700 đồng/kg còn 4.800 đồng/kg... Tuy nhiên, nhiều DN chưa giảm giá. "Có lẽ họ lo ngại giảm giá cũng chưa chắc bán chạy nên vẫn gắng neo thêm một thời gian nữa" - một DN chuyên cung cấp nguyên liệu nhận xét. Trao đổi với PV Hànộimới, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cảnh báo, các nhà máy không được tăng giá bán quá mức mà phải có mức giá hợp lý để đồng hành cùng người chăn nuôi, nếu không DN cũng sẽ lao đao, phá sản. Cũng theo ông Lê Bá Lịch, vấn đề mấu chốt là chúng ta phải quy hoạch được vùng nguyên liệu hợp lý. Ở nước ta đang tồn tại những nghịch lý trong quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN. Cụ thể, mỗi năm chúng ta trồng khoảng 300.000ha đậu tương, năng suất chỉ đạt 1,2-1,4 tấn/ha. Số nguyên liệu này chỉ đủ làm đậu phụ và nước uống giải khát chứ chưa giải quyết được việc tạo nguyên liệu chế biến TĂCN. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập 100% khô dầu đậu tương của nước ngoài (khoảng 2-2,5 triệu tấn) để làm nguyên liệu TĂCN. Hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 1 triệu hécta ngô, mỗi năm cung cấp khoảng 4 triệu tấn ngô. Trong khi đó, mỗi năm DN phải nhập thêm 500.000 đến 1 triệu tấn ngô để làm nguyên liệu TĂCN. Trong thực tế, đất trồng ngô ở nước ta vẫn còn nhiều, tập trung chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi nên không làm ảnh hưởng đến diện tích lúa nhưng lại không được tận dụng. Ông Lê Bá Lịch cho biết thêm, chúng ta có nhiều sắn nhưng sắn dùng làm nguyên liệu TĂCN chỉ chiếm khoảng 15-20% vì độ đạm ít, còn lại chủ yếu dùng để phục vụ các nhà máy sản xuất bột ngọt và xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc. Còn về bột cá, mặc dù chúng ta có bờ biển dài nhưng lượng cá dùng làm TĂCN, thức ăn thủy sản cũng không có đủ.
Để giải quyết nghịch lý giá TĂCN, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ NN&PTNT phải có quy hoạch vùng nguyên liệu, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu TĂCN, thậm chí có thể đưa vào hạng mục ưu tiên đầu tư cũng như bảo đảm một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ sản xuất TĂCN.
Thay đổi phương thức chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thành TĂCN là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay. Thêm nữa, phương thức chăn nuôi của ta còn manh mún, nhỏ lẻ. Trình độ kỹ thuật chưa cao dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp trong khi giá thành đầu tư SX chăn nuôi lại quá cao, dịch bệnh xảy ra thường xuyên.
Bà Bùi Hường Bích, HTX Chăn nuôi Đan Hoài (Đan Phượng) cho rằng, để các cơ sở chăn nuôi tồn tại và phát triển ổn định ngoài việc điều tiết giá thành TĂCN làm sao cho hợp lý thì vấn đề cốt lõi với ngành chăn nuôi lúc này là quỹ đất và vốn, nên dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung. Tại sao chúng ta có thể lấy đất xây dựng các KCN mà không thể dành đất cho nông nghiệp, cho chăn nuôi? Cần 1ha xây dựng KCN phá ngô, phá lúa vẫn làm, vậy mà cần chừng ấy đất để làm trang trại chăn nuôi thì lại khó khăn. Các cơ sở sản xuất chăn nuôi công nghệ cao phải được vay quỹ ngân hàng phát triển hoặc nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay tín dụng. Hình thành quỹ bảo hiểm chăn nuôi, người chăn nuôi phải được tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn nữa. Chăn nuôi là ngành có rủi ro quá cao nên mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi phải được thực hiện trực tiếp tới người chăn nuôi, vì một cơ sở chăn nuôi tập trung có thể đạt quy mô bằng cả xã chăn nuôi nhỏ lẻ. Không ít trang trại chỉ có 1ha đất chuồng trại, nhưng nuôi 200 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt, cung ứng cho thị trường trên 200.000 tấn lợn hơi, giá trị thu nhập đạt trên 6 tỷ đồng, không thua kém gì các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.