(HNM) - Các cụ xưa đã dạy: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Thời nay, lại có người đưa ra nhận xét, một người Việt Nam có thể rất giỏi, nhưng nếu một tập thể có nhiều người giỏi thì chưa chắc tập thể ấy sẽ mạnh như suy luận trên lý thuyết. Ngẫm từ thực tế, những lời dạy hay nhận xét trên đều rất ý nghĩa, nhưng tiếc rằng việc vận dụng vào thực tế lại rất hạn chế và hậu quả để lại cho xã hội cũng không hề nhỏ.
Ví dụ đầu tiên là chuyện đua nhau bỏ vốn đầu tư vào các dự án sản xuất xi măng, thép xây dựng. Thế rồi khi thị trường bão hòa, nguồn cung lớn hơn nhu cầu thực tế dẫn tới hàng tồn kho, vốn đọng lại, nơi thì sản xuất cầm chừng, nơi tuyên bố phá sản. Rồi chuyện đua nhau xây dựng sân golf cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hay như "phong trào" mở trường dân lập ở các địa phương cũng rộ lên chừng một hai năm, sau không tuyển được học sinh, chi phí đầu vào không có nên teo tóp dần. Với bà con nông dân, chuyện được mùa, rớt giá cũng có nguyên nhân cơ bản từ việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo phong trào...
Tựu trung lại có tình trạng trên là do thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, dù rằng vài năm trở lại đây các cụm từ như quy hoạch tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 đã được nhắc tới khá nhiều. Song trên thực tế điều đó dường như vẫn chỉ làm đẹp cho các bản báo cáo, thuyết trình mà ít có giá trị trong thực tiễn. Lấy ví dụ, thời gian qua, các địa phương trong cả nước đua nhau xin phép đầu tư xây dựng, nâng cấp các sân bay, cảng hàng không theo... tiêu chuẩn quốc tế. Lý do đưa ra là để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch, dịch vụ... Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, để thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2012-2020, đầu tư cho 26 cảng hàng không cần phải có 221.000 tỷ đồng. Và cũng theo quy hoạch trong giai đoạn này cả nước sẽ có thêm 5 cảng hàng không quốc tế, nâng tổng số sân bay quốc tế lên con số 10. Nghe hoành tráng là vậy, nhưng vào thời điểm hiện tại, chỉ có 2/5 sân bay quốc tế của chúng ta đang kinh doanh có lãi. Vậy nên, có những sân bay quốc tế đã được xây dựng nhưng đến giờ chỉ phục vụ... đường bay trong nước. Vậy là hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư và hàng trăm nghìn tỷ đồng chuẩn bị đầu tư nếu không được tính toán kỹ lưỡng rất dễ rơi vào tình trạng... "đắp chiếu".
Hai cảng hàng không lớn nhất của Việt Nam vào thời điểm này là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) cũng đang được đầu tư nâng cấp. Dù nước ta còn nghèo nhưng nếu như dồn toàn lực để xây dựng hai cảng hàng không này đạt tầm cỡ khu vực và châu lục có lẽ không phải là việc không làm được. Nhưng đấy là nói (hay tính) theo kiểu các cụ xưa dạy như đã nêu, chứ thực tế "con gà tức nhau tiếng gáy", cũng không dễ để các địa phương khác đồng thuận...
Cứ mạnh ai nấy làm như vậy, chúng ta đang nghèo đi từ toàn những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.