(HNMO) – Chiều 25-7, tập thể UBND TP Hà Nội tiếp tục thảo luận về Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000).
Đồ án do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội soạn thảo, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) tư vấn lập quy hoạch.
Khu di tích thành Cổ Loa có giá trị đặc biệt quan trọng đối với lịch sử thủ đô và đất nước, nhưng quá trình đô thị hóa hiện nay, những dấu tích và tính toàn vẹn của khu di tích đang ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa được nghiên cứu gắn kết với định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân cũng như các cơ quan quản lý về bảo tồn và đầu tư xây dựng.
Theo kết quả thẩm định của UBND TP Hà Nội: Đồ án quy hoạch đã đánh giá được thực trạng triển khai quy hoạch chi tiết khu vực di tích Cổ Loa tỷ lệ 1/2000; các quy hoạch và dự án liên quan đến khu di tích và hiện trạng công tác quản lý bảo tồn và đầu tư xây dựng; xác định các nội dụng kế thừa và các nội dung cần phải điều chỉnh hướng tới quy hoạch Khu di tích Cổ Loa cân bằng giữa 3 yếu tố lịch sử, sinh thái và nhân văn… Đồ án cũng đưa ra được kế hoạch thực hiện, phân chia làm 4 giai đoạn thực hiện, có tính khả thi trên thực tế. Tuy nhiên, đồ án sắp xếp nội dung chưa tuân thủ nội dung nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu; Chưa có nội dung sơ lược qua từng thời kỳ và nhận diện vị trí trong tổng thể di tích quốc gia…
Tham luận tại hội nghị, ông Dương Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đánh giá: Nội dung đồ án mới ở mức đề xuất cơ bản quy hoạch phân khu, quy chế đang trong giai đoạn dự thảo. Ranh giới nghiên cứu đồ án khoảng 860ha, hoàn toàn phù hợp với các phân khu lân cận. Theo phân bổ chuỗi đô thị phía bắc sông Hồng, dân số khu di tích Cổ Loa đến năm 2030 khoảng 15.500 người. Đề xuất định hướng bảo tồn chia làm 4 vùng, đối với khu vực lõi 15ha cần giảm dân số; bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, tôn vinh giá trị lịch sử, di tích bằng các công trình như quảng trường… là phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tuấn, đồ án cần đánh giá kỹ hơn những ưu nhược điểm trong sử dụng đất, hạn chế xây dựng các công trình mới. Đề xuất bố trí khu tái định cư, giải quyết vấn đề tăng dân số cơ học, giãn dân khu vực lõi; xác định tại khu vực kề cận khoảng 25ha để xây dựng khu tái định cư. Hơn nữa, theo mục tiêu đã được phê duyệt, di tích Cổ Loa sẽ trở thành công viên văn hóa, lịch sử nên cần quy hoạch phát triển thành không gian xanh, không gian đệm.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết: Do tính chất quan trọng của di tích này, cấp ủy, chính quyền huyện rất quan tâm đến đồ án quy hoạch, nguyện vọng của người dân muốn đẩy sớm quy hoạch vừa phục vụ công tác quản lý, vừa phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội.
Để quy hoạch có tính khả thi cao sau khi được phê duyệt, huyện đề xuất: đây là khu di tích lớn, bao gồm 3 đơn vị hành chính, riêng xã Cổ Loa đã có 16 vạn dân vì vậy vừa phải giãn dân, nhưng không tạo ra sự mâu thuẫn giữa bảo tồn di tích và việc tạo cơ hội để chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân. Đề nghị, trong quy hoạch phân vùng di tích, những đất trong phạm vi từ vòng thành 3 trở vào không nặng giữ đất lúa mà cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, hoa rau, để gắn với sinh thái, nâng cao đời sống của dân.
Về quỹ đất ở, để đảm bảo mục tiêu quy hoạch, đặt ra vấn đề giãn dân. Với 16 nghìn dân của xã Cổ Loa, 15 năm nay chưa được giãn dân, gây nhiều bức xúc. Huyện kiến nghị TP với những quỹ đất có thể, cách xa chỉ giới bảo tồn, từ Thành Nội đến Thành Trung cho phép tăng đất ở, để trả nợ đất giãn dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất cần sớm thể chế hóa quy chế quản lý khu di tích để bảo vệ di tích. Cần có cơ chế để người dân không chia nhỏ đất ở, làm tăng mật độ, tạo ra những không gian nhà ở truyền thống, nhà cổ của khu vực Bắc bộ; Tránh làm mất đi những vườn cổ trong làng xóm.
Trên cơ sở phân kỳ đầu tư, huyện đề nghị TP sau khi quy hoạch 1/2000 được phê duyệt, cho nghiên cứu ngay quy hoạch 1/500 của khu vực từ Vòng Thành 3 trở vào. Một số dự án ở giai đoạn đầu như khu vực lõi di tích, khu giếng Ngọc, cần thực hiện ngay để đưa vào không gian của di tích. Huyện đã di dời trường cấp 1, cấp 2, trụ sở UBND, nhưng vẫn để hoang tàn, cần triển khai dự án ngay.
Sau khi nghe thêm ý kiến đóng góp từ Sở TN&MT, Hội đồng nhân dân TP…, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, đồ án quy hoạch không chỉ liên quan đến lĩnh vực bảo tồn mà cả văn hóa, khi làm phải tham khảo ý kiến chuyên môn và nhân dân. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, sản phẩm đồ án quy hoạch này chưa rõ nét, chưa đầy đủ, cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát nhiệm vụ quy hoạch để hoàn thiện đồ án. Cần quy hoạch để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị thành Cổ Loa theo hướng tôn vinh đây là công viên lịch sử sinh thái nhân văn; tôn trọng sự phát triển dân cư làng mạc đang sống.
Trong thời gian tới cần thống nhất mục tiêu của đồ án, bảo tồn những dấu tích còn lại đang có của thành Cổ Loa xưa ở nước Âu Lạc (cần điều tra xác định). Định hướng bảo tồn hướng tới là trùng tu, tôn tạo; bảo tồn văn hóa phi vật thể (truyền thuyết Cổ Loa). Đồ án phải đưa ra quy quy hoạch cảnh quan, không gian để tạo thành công viên sinh thái. Bên cạnh đó, quy hoạch phải tôn trọng thiết kế không gian của làng cổ, nhà cửa, dân cư; xác định giới hạn phát triển, tầm nhìn, sau đó mới giãn dân ra các vùng ngoài.
Mặt khác, Chủ tịch cũng lưu ý việc phát huy giá trị du lịch, tâm linh hướng tới cha ông, giáo dục truyền thống lịch sử. Đề nghị các ngành có liên quan của TP phối hợp với Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn sớm hoàn thiện quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.