(HNM) - Ùn tắc giao thông, thiếu các điểm đỗ xe công cộng đang là vấn đề các đô thị lớn, trong đó có thành phố Hà Nội gặp phải trong quá trình phát triển. Giải quyết bài toán này, việc lập quy hoạch không gian ngầm, trên cơ sở đó xây dựng công trình ngầm, hệ thống giao thông dưới lòng đất đã được Hà Nội đặt ra theo hướng phát triển đô thị theo chiều sâu.
Hướng đi tất yếu
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng ở Việt Nam đang đặt ra cho cơ quan quản lý đô thị các cấp nhiều vấn đề khó giải quyết. Trong đó, quỹ đất nội thành của các thành phố, đặc biệt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cạn kiệt, dẫn đến không gian trở nên chật chội, tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm chất lượng đô thị suy giảm, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý đô thị mới chỉ tập trung phát triển trên mặt đất, chưa coi trọng khai thác, sử dụng và phát triển không gian ngầm đô thị.
“Đất chật, người đông”, ùn tắc giao thông, thiếu điểm đỗ xe ô tô... đang là những vấn đề mà người dân các đô thị lớn gặp phải, trong đó có Hà Nội. “Việc tìm một điểm đỗ xe ô tô tại khu vực trung tâm nhiều khi khiến tôi loay hoay mất đến hơn tiếng đồng hồ. Vì vậy, tôi rất ngại hẹn đối tác bàn công chuyện ở khu vực này” - anh Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ, thương mại và sản xuất Aloprint (quận Hoàng Mai) chia sẻ.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc phát triển không gian ngầm, hệ thống giao thông dưới lòng đất là hướng đi tất yếu của các đô thị hiện đại. Thực tế tại nhiều nước phát triển, không gian ngầm được tận dụng, phát huy không chỉ giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là ùn tắc giao thông, mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Nhận xét về việc phát triển các công trình ngầm tại Hà Nội trong thời gian qua, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều công trình ngầm, như: Hệ thống hầm đường bộ, đường sắt đô thị; hệ thống đường dây, đường cáp điện lực, viễn thông và tầng hầm của các công trình xây dựng dân dụng. Song, các công trình ngầm trên mang tính cục bộ, chưa có tính liên kết để phát huy hiệu quả khai thác sử dụng.
Quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ
Trước các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng các huyện, quy hoạch không gian ngầm đô thị...
Chia sẻ về các ý tưởng lập đồ án quy hoạch này, ông Đào Minh Tâm, Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) cho biết: Đồ án xác định các khu vực bố trí không gian xây dựng ngầm gồm: Các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố (mô hình TOD - Transit Oriented Design - thiết kế theo định hướng giao thông), ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia. Đây sẽ là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Theo đó, trong phạm vi 500m từ đầu mối TOD, sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm như trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động...
Cụ thể, đồ án đã xác định hệ thống giao thông ngầm gồm 5 tuyến đường sắt đô thị, với tổng chiều dài khoảng 50km trong nội đô và 53 ga ngầm trên các tuyến; 79 địa điểm xây dựng bãi đỗ xe công cộng ngầm (chủ yếu bố trí tại 4 quận nội thành cũ) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 107ha; 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng, tổng diện tích khoảng 954ha; định hướng bố trí các công trình chức năng dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, gara ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến...
Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: Đến nay đồ án đã cơ bản hoàn thành các bước lập, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố và Hội đồng Thẩm định quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. "Chúng tôi đang rà soát hoàn thiện đồ án trước khi gửi lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng làm cơ sở để UBND thành phố phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở để Hà Nội triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm, thúc đẩy phát triển Hà Nội theo cả chiều sâu" - ông Nguyễn Đức Nghĩa nói.
Cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 3-12-2015, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6649/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi nghiên cứu thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.