(HNM) - Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nhưng trước ngưỡng cửa Thăng Long 1000 năm tuổi, hết thảy người dân nước Việt đều mong muốn nhìn thấy một vóc dáng Thủ đô văn hiến, văn minh, xứng tầm với một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ.
Điểm nhấn không gian xanh
Một trong những thành công của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ý tưởng hành lang xanh và không gian xanh đô thị. Hành lang xanh chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên, gồm toàn bộ khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, vùng núi đồi. Trong đó, hành lang xanh quy mô lớn nằm dọc sông Hồng, sông Đáy, sông Tích giữa Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh phía Tây. Hành lang xanh quy mô nhỏ hơn nằm ở phía Bắc và phía Đông đô thị trung tâm, dọc theo sông Đuống và sông Cà Lồ. Không gian xanh còn được hình thành ngay trong đô thị trung tâm thông qua hệ thống công viên chuyên đề (như Công viên lịch sử Cổ Loa, công viên gắn với đô thị Yên Sở, Mễ Trì...). Hệ thống công viên đô thị sẽ kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông, hồ tự nhiên. Sau quy hoạch chung, toàn bộ quỹ đất đang sử dụng sẽ được rà soát, nếu không đáp ứng yêu cầu hiện tại hoặc không hiệu quả sẽ chuyển thành đất xây dựng công viên cây xanh khu vực nội đô, để tăng tỷ lệ cây xanh đô thị lên 10-15m2/người.
Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: Xuân Chính |
Đối với hệ thống mặt nước, bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt các hồ hiện có, quy hoạch đã định hướng phát triển hồ mới, hình thành hệ thống hồ liên hoàn tiêu thoát nước, phục vụ cảnh quan, bảo vệ môi trường. Trong vành đai xanh sông Nhuệ, việc phát triển làng xóm hiện hữu sẽ kiểm soát chặt chẽ. Tại đây chỉ xây dựng công trình công cộng quy mô nhỏ với đặc trưng sinh thái cây xanh, mặt nước, tạo vùng đệm cách ly giữa nội đô mở rộng với chuỗi đô thị mới dọc phía Đông tuyến Vành đai 4.
Và chuỗi đô thị
Theo đồ án, đô thị trung tâm hạt nhân của Hà Nội được giới hạn gồm phía Bắc sông Hồng (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh), phía Nam sông Hồng đến Vành đai 4. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Trong đó, khu vực hữu ngạn sông Hồng đến Vành đai 3 là khu vực nội đô hiện hữu, sẽ được kiểm soát gia tăng dân số, tập trung cải thiện hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ môi trường. Khu vực mở rộng nằm ở phía Nam sông Hồng, là chuỗi đô thị dọc Vành đai 4 gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín, với các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, văn hóa, tài chính cấp vùng và quốc gia. Chuỗi đô thị này sẽ có dân số 1,2 đến 1,3 triệu người, được ngăn cách với khu vực đô thị tiếp giáp từ Vành đai 3 trở vào nội đô bằng vùng đệm xanh sông Nhuệ. Chuỗi đô thị này góp phần thu hút dân số dịch chuyển từ nội đô ra và tiếp nhận nhiều dự án từ hơn 750 đồ án, dự án trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng là ý tưởng chủ đạo của thành phố hai bên sông, nhằm hình thành không gian xanh, mặt nước, không gian văn hóa; với trục động lực kinh tế Nhật Tân - Nội Bài gắn với trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, triển lãm... Quận Long Biên, huyện Gia Lâm dự kiến phát triển đô thị thương mại, giáo dục, y tế... gắn với cụm công nghiệp dọc quốc lộ 5, dân số khoảng 70 vạn người. Huyện Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn di tích Cổ Loa và hình thành khu thể thao mới kết hợp trung tâm triển lãm, thương mại. Dân số ở đây khoảng 55 vạn người. Huyện Mê Linh phát triển dịch vụ và công nghiệp sạch kết nối sân bay, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa... Dân số khoảng 45 vạn người.
Thủ đô Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, với dân số 1,3-1,4 triệu người, hỗ trợ, chia sẻ cho đô thị trung tâm, tạo việc làm cho dân tại chỗ và dân nhập cư. Đô thị vệ tinh này phát triển độc lập, kết nối với đô thị trung tâm bằng các tuyến giao thông công cộng tốc độ cao. Đô thị Hòa Lạc có động lực phát triển là khoa học, công nghệ, du lịch, nghỉ dưỡng, với trọng tâm là ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dân số dự kiến 60 vạn người. Đô thị này gắn kết với trung tâm bằng đường Láng - Hòa Lạc và trục Thăng Long.
Đô thị Sơn Tây, với thành cổ Sơn Tây và làng cổ Đường Lâm, là đô thị văn hóa - lịch sử, động lực phát triển là du lịch, dịch vụ, y tế, nông nghiệp sinh thái, kết nối thông qua tuyến đường 32 và trục Thăng Long. Dân số dự kiến khoảng 18 vạn người. Đô thị Xuân Mai sẽ là đô thị tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, dân số dự kiến 22 vạn người. Đô thị Phú Xuyên - Phú Minh là đô thị công nghiệp, đầu mối trung chuyển hàng hóa, dịch vụ y tế cho cả vùng phía Nam Hà Nội thông qua hành lang kinh tế Bắc - Nam; dân số dự kiến 12,7 vạn người. Đô thị Sóc Sơn là đô thị công nghiệp, dịch vụ, khai thác tiềm năng cảng hàng không Nội Bài, nối đô thị trung tâm với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Dân số dự kiến của đô thị này khoảng 25 vạn người.
Dù còn ý kiến khác nhau về quy hoạch Hà Nội, song tất cả đều có chung kỳ vọng một Thủ đô tầm vóc xứng với vị thế của đất nước đang vươn lên mạnh mẽ.
Tầm vóc Hà Nội "Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế; một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi". (Quyết định 1878/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.