(HNM) - Với mục đích hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) đã trở thành "bà đỡ", giúp nông dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, với mức vay 5 triệu đồng/hộ như hiện nay, nông dân khó có thể mở mang sản xuất, vượt qua khủng hoảng.
Nhờ đồng vốn của Hội Nông dân thành phố, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã thoát nghèo. Ảnh: Sơn Tùng |
Theo Hội Nông dân TP Hà Nội, những năm qua, nhờ đồng vốn từ QHTND, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển và nhân rộng góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Để đồng vốn hoạt động có hiệu quả, Ban điều hành QHTND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Trong đó, ưu tiên những vùng kinh tế khó khăn, thu nhập thấp như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ… Các cấp hội đã xây dựng dự án chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Thanh Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức và chăn nuôi bò tập trung tại các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì… Một số địa phương xây dựng dự án cho nông dân vay vốn để sản xuất RAT, rau hữu cơ. Bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội cho biết: "Từ nguồn của quỹ, hằng năm đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 50.000 hộ nông dân trên địa bàn nông thôn và tạo việc làm thời vụ cho hàng ngàn lao động nông thôn…".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban QHTND thành phố, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của nông dân rất lớn nhưng số tiền được hỗ trợ quá ít. Nguồn vốn vận động ủng hộ còn hạn chế nên quỹ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vay vốn của nông dân Thủ đô. Hiện nay, mức vay tối đa theo Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 25-11-2005 của UBND TP Hà Nội không quá 5 triệu đồng/hộ không còn phù hợp bởi với số tiền như vậy, nông dân không đủ đầu tư sản xuất trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng TP Hà Nội nên cho các hộ nông dân vay ở mức 25-30 triệu đồng/hộ là phù hợp, để đồng vốn phát huy hiệu quả. Theo ông Vũ Hữu Trưng, HND huyện Phúc Thọ, với mức cho vay 5 triệu đồng như hiện nay, nông dân chỉ mua được 1/3 con bê. Vì vậy cần có cơ chế linh hoạt tăng vốn vay cho nông dân theo năm để người nông dân có điều kiện phát huy giá trị vốn vay.
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng ban Điều hành QHTND TP Hà Nội cho biết, hiện việc vận động xây dựng quỹ ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vận động nông dân, các hộ phi nông nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp... Hiện nay, phần lớn số vốn do QHTND quản lý là do UBND các cấp chuyển kinh phí từ nguồn ngân sách sang. Các cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm, tạo điều kiện cho các cấp HND tổ chức xây dựng quỹ. Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn Hà Nội đều xây dựng được QHTND nhưng mới chỉ đạt con số khiêm tốn: 20-30 triệu đồng nên chưa giúp được nhiều hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố nên nghiên cứu việc cấp kinh phí hằng năm cho quỹ và đưa ra những quy định để tăng nguồn quỹ, chỉnh sửa kịp thời những bất cập để QHTND thực sự là "bà đỡ" cho nông dân.
Với 360 tỷ đồng, trong đó nguồn trung ương ủy thác là 1,7 tỷ đồng, nguồn ngân sách thành phố 311,75 tỷ đồng… các cơ sở hội đã xây dựng 310 dự án trình Ban điều hành quỹ phê duyệt cho 21.211 hộ vay vốn với số tiền trên 105,7 tỷ đồng. Quản lý và duy trì 1.087 dự án với dư nợ 191,65 tỷ đồng của 39.954 hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, bước đầu giúp người nông dân phát triển sản xuất. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.