(HNMO)- Hôm qua (9/8), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 23 quy định về chế độ điều hoà tiền mặt, giao dịch tiền mặt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/9/2012. Quyết định số 25 của NHNN ngày 8/09/2008
Thông tư này quy định về chế độ điều hòa tiền mặt trong hệ thống NHNN; giao dịch tiền mặt giữa NHNN với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Theo Thông tư này, NHNN lập Quỹ dự trữ phát hành, Quỹ nghiệp vụ phát hành để quản lý tiền dự trữ phát hành và thực hiện nghiệp vụ phát hành tiền đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, nhu cầu tiền dự trữ phát hành, nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành.
Ảnh minh họa |
Quỹ dự trữ phát hành được quản lý ở các kho tiền Trung ương và các kho tiền NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quỹ dự trữ phát hành bao gồm: Tiền mới in, đúc nhập từ các cơ sở in, đúc tiền; tiền nhập từ Quỹ nghiệp vụ phát hành bao gồm các loại tiền thu hồi từ lưu thông, kể cả tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành.
Quỹ nghiệp vụ phát hành được quản lý tại kho tiền Sở Giao dịch NHNN và các kho tiền NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Quỹ nghiệp vụ phát hành bao gồm: Tiền nhập từ Quỹ dự trữ phát hành; tiền thu hồi từ lưu thông, kể cả tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành.
Trong chế độ điều hòa tiền mặt, hoạt động xuất, nhập Quỹ dự trữ phát hành bao gồm: Hoạt động xuất, nhập quỹ dự trữ phát hành giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa Quỹ dự trữ phát hành tại kho tiền Trung ương với Quỹ dự trữ phát hành tại NHNN chi nhánh và ngược lại; giữa Quỹ dự trữ phát hành tại NHNN chi nhánh với nhau; xuất, nhập giữa Quỹ dự trữ phát hành tại Kho tiền Trung ương tại Hà Nội với Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Sở Giao dịch NHNN; xuất, nhập giữa Quỹ dự trữ phát hành với Quỹ nghiệp vụ phát hành tại NHNN chi nhánh; xuất Quỹ dự trữ phát hành tại các kho tiền Trung ương các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành để tiêu hủy; nhập Quỹ dự trữ phát hành tại các kho tiền Trung ương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các loại tiền mới được Thủ tướng Chính phủ cho công bố lưu hành (đã được phép phát hành vào lưu thông); nhập các loại tiền mới in, đúc từ các cơ sở in, đúc tiền về Quỹ dự trữ phát hành tại các kho tiền Trung ương.
Trong giao dịch tiền mặt, NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN thực hiện giao dịch tiền mặt đối với khách hàng thông qua hoạt động thu, chi tiền mặt. Trường hợp tổ chức tín dụng có nhiều chi nhánh trên cùng địa bàn, NHNN chi nhánh thực hiện việc giao dịch tiền mặt thông qua đơn vị đầu mối do tổ chức tín dụng lựa chọn trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về an toàn kho quỹ, các điều kiện khác theo quy định của NHNN. Đơn vị đầu mối của tổ chức tín dụng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu thu, chi tiền mặt cho các chi nhánh trên địa bàn.
Về quy định về giao dịch tiền mặt, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước giao dịch tiền mặt với NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN tối đa 2 lần/ngày và phải thông báo trước thời điểm giao dịch ít nhất 2 giờ. Trường hợp phát sinh nhu cầu khẩn cấp, đột xuất, Giám đốc NHNN chi nhánh, Giám đốc Sở Giao dịch NHNN xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể về thời gian giao dịch tiền mặt đối với khách hàng; thời điểm ngừng giao dịch cuối ngày để thực hiện việc khóa sổ, kiểm kê Quỹ nghiệp vụ phát hành.
Thông tư quy định rõ Cục Phát hành và Kho quỹ chịu trách nhiệm trước Thống đốc về kết quả thực hiện công tác điều hoà tiền mặt trong hệ thống NHNN; đảm bảo đáp ứng đủ tiền mặt cho NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN. Hàng tháng báo cáo Thống đốc NHNN tình hình tiền mặt trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.