(HNM) - Sau 3 năm triển khai Thông tư 14/2011/TT- BNN&PTNT, Hà Nội bước đầu đã thu kết quả nhất định nhưng quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc...
Cần những điều chỉnh để việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp chính xác, hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tuấn |
Đã có chuyển biến theo hướng tích cực
Theo ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Thông tư 14 đã được ngành nông nghiệp Thủ đô triển khai quyết liệt. Đối tượng thuộc cấp thành phố quản lý gồm 703 cơ sở, trong đó có 129 cơ sở SX-KD vật tư nông nghiệp phục vụ chăn nuôi, thủy sản; 77 cơ sở SX-KD vật tư nông nghiệp phục vụ ngành trồng trọt, trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; 108 cơ sở thuộc chuỗi SX-KD động vật và sản phẩm động vật; 87 cơ sở thuộc chuỗi SX-KD thủy sản và sản phẩm thủy sản; 86 cơ sở thuộc chuỗi SX-KD thực vật và sản phẩm thực vật; 120 cơ sở SX-KD nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Các cơ quan đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại được 579 lượt cơ sở, trong đó có 215 cơ sở SX- KD vật tư nông nghiệp và nước sinh hoạt nông thôn. Kết quả đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A/B chiếm tỷ lệ 92,08%; số cơ sở xếp loại C chiếm tỷ lệ 2,05%; số cơ sở không được xếp loại (cơ sở dừng sản xuất, đang sửa chữa nhà xưởng hoặc chuyển nơi khác…) là 6,06%. Đối với nông lâm thủy sản, tổng số cơ sở SX-KD được kiểm tra là 333 cơ sở với kết quả đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A/B chiếm tỷ lệ 82%, số cơ sở xếp loại C chiếm tỷ lệ 16,5%, các cơ sở chưa được xếp loại chiếm tỷ lệ rất thấp 1,5%. Cũng trong năm 2013, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, đôn đốc các cơ sở xếp loại C thực hiện khắc phục sai, lỗi. Sau một thời gian đã có 31/55 cơ sở xếp loại C trong lần đánh giá đầu có báo cáo khắc phục. Qua kiểm tra, đánh giá phân loại lần 2, tất cả số cơ sở này đều được nâng lên loại B, cho thấy việc kiểm tra, đánh giá phân loại đã có tác động tích cực.
Còn nhiều bất cập
Để triển khai một cách có hệ thống, Ban chỉ đạo thực hiện Thông tư 14 của Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với 29/29 Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và 7/7 đơn vị chuyên môn trực thuộc có chức năng quản lý để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh. Mặc dù những kết quả đạt được là rất quan trọng song trong quá trình thực hiện cũng "vấp" phải khá nhiều vướng mắc. Đại diện phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho rằng, nhiều quy định trong Thông tư chưa sát thực tế khiến việc thực hiện của các cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như thiếu một số biểu mẫu với các mặt hàng giống cây trồng hoặc có biểu mẫu nhưng cơ sở pháp lý không rõ ràng. Các quy định còn chung chung như giết mổ gia súc, gia cầm phải cách xa khu dân cư và nguồn nước sinh hoạt, nhưng không quy định cụ thể khoảng cách... Còn theo ông Lê Xuân Trường- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Thông tư quy định cấp thẩm quyền nào cấp giấy phép thì cấp đó được quyền kiểm tra sẽ khó thực hiện vì cấp xã, huyện thiếu cán bộ, năng lực còn nhiều hạn chế. Đối với mặt hàng phân bón có đến hàng nghìn danh mục nên khó quản lý theo các quy định trong thông tư. Việc kiểm phiếu theo từng lô hàng phân bón cũng rất khó thực hiện vì không thể lấy hết phiếu của lô hàng đó…
Thông tư 14 với mục đích đưa hoạt động kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chiều sâu hơn nhằm tập trung nguồn lực vào các sản phẩm có nguy cơ cao, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu không sớm khắc phục những bất cập thì việc triển khai sẽ khó đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.