Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định mỗi hãng xe taxi phải đăng ký một màu sơn: Liệu có hiện thực?

Bảo Nga| 01/09/2010 05:45

(HNM) - Theo Thông tư số 14, ngày 24-6-2010 của Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT), kể từ ngày 8-8-2010, mỗi hãng taxi chỉ được phép đăng ký một màu sơn thống nhất, thay vì nhiều màu sơn như hiện nay. Quy định này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi, nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng hoạt động lộn xộn của các hãng và nạn taxi dù.


Ông Đỗ Quốc Bình (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội): Số tiền để sơn lại xe lên tới hàng trăm tỷ đồng
Điều 33, Mục III, Thông tư 14 của Bộ GT - VT quy định rõ: Trước khi đưa xe vào khai thác, các doanh nghiệp, HTX phải thực hiện đăng ký một màu sơn thống nhất giữa các xe của doanh nghiệp, HTX, biểu trưng (logo) theo mẫu...". Theo tôi, đây là điều vô cùng bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh taxi và lãng phí tiền của của Nhà nước. Hiện tại, Hà Nội có hơn 100 hãng taxi với hơn 14.000 xe đang hoạt động, trong đó phần lớn các hãng có nhiều màu xe khác nhau.

Nếu trung bình mỗi hãng có hai màu xe, thì số lượng xe phải sơn tút lên tới hơn 7.000 chiếc và mỗi chiếc xe sơn lại với giá 10 triệu đồng, thì số tiền đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là bắt các doanh nghiệp taxi bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy nhằm mục đích gì? Ngăn chặn nạn taxi dù? Hay nâng cao chất lượng dịch vụ của từng hãng taxi? Các cơ quan chức năng dễ bề xử lý các vi phạm?...  Dù bất cứ mục tiêu gì, quy định này cũng mang tính cực đoan. Các nhà quản lý nên để các doanh nghiệp được sử dụng các loại xe có nhiều màu sơn khác nhau, nhưng buộc mỗi hãng taxi phải đăng ký một logo, đèn mào với mẫu mã, kiểu cách riêng để khách hàng và cả các nhà quản lý có thể phân biệt đây là hãng taxi A, hãng taxi B.

Ông N.Q.H (Giám đốc một doanh nghiệp taxi ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình): Cần phải có lộ trình cụ thể
Công ty tôi hiện có gần 500 đầu xe, thuộc nhiều hãng khác nhau, trong đó chủ yếu có hai màu: ghi và trắng. Nếu thực hiện theo quy định của Bộ GT - VT, chúng tôi phải chi khoảng 3 tỷ đồng để sơn lại ít nhất 300 xe, chưa kể những phiền hà khi phải thay đổi đăng ký, đăng kiểm khi đổi lại màu sơn. Hơn nữa, nếu mỗi doanh nghiệp taxi phải đăng ký một màu sơn thống nhất, thì với hơn 100 hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô, lấy đâu ra từng ấy màu sơn khác nhau? Ở những nước khác, thông thường các hãng taxi chỉ có một màu duy nhất; khách hàng phân biệt các hãng nhờ vào logo và phần mào được đặt ngay trên nóc xe. Để hạn chế tình trạng lộn xộn, tranh giành, bắt chẹt khách, cạnh tranh không lành mạnh... giữa các doanh nghiệp taxi, Bộ GT-VT cần thực hiện 3 giải pháp.

Thứ nhất, nên quy định tất cả các hãng taxi trên cả nước đều dùng chung một màu sơn, riêng phần mào và logo, biểu trưng của các doanh nghiệp được thiết kế riêng để dễ phân biệt. Thứ hai, các hãng taxi nên treo biển với màu sắc riêng. Chẳng hạn, xe tư nhân hiện nay đeo biển màu trắng, xe công đeo biển xanh, thì có thể quy định xe taxi đeo biển màu vàng. Đây là cách mà nhiều quốc gia đã làm, vừa tiết kiệm được tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp, vừa giúp khách hàng và cơ quan quản lý dễ nhận biết loại hình xe kinh doanh. Thứ ba, nếu thực hiện theo Thông tư 14 của Bộ GT - VT, cần phải có lộ trình từ 3 - 5 năm để các hãng taxi có thời gian thực hiện, thay dần màu sơn xe. 

Nguyễn Thị Phương (phươngmelody@...): Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của các hãng taxi...
Nhiều lần tôi phải đi tàu hỏa từ Lào Cai về Hà Nội vào lúc 4-5 giờ sáng. Có lần, tôi gọi một chiếc taxi đỗ ngay trước khu vực ga để về nhà cho an toàn. Để tránh taxi dù, tôi tìm một chiếc xe có biển hiệu, logo đàng hoàng, nhưng lên xe tôi mới biết mình đã nhầm. Thay vì tính tiền theo kilômét tài xế hỏi địa điểm cần đến rồi báo giá. Sau một hồi cò kè, tài xế đồng ý tính cước theo kilômét, nhưng đồng hồ tính tiền chạy với tốc độ "phi mã". Kết quả, chỉ một đoạn đường từ ga Hà Nội về đến đầu đường Nguyễn Trãi chỉ khoảng 5 km, tôi phải trả 115.000 đồng.  Theo tôi, việc quy định mỗi hãng xe phải sơn thống nhất một màu không phải là giải pháp cho việc quản lý và hạn chế nạn taxi dù.

Trên thực tế, vẫn có những chủ xe ký hợp đồng với các doanh nghiệp taxi có uy tín, hằng tháng đóng một khoản tiền cố định cho doanh nghiệp để mượn tên, nhưng thực chất vẫn chạy xe theo hình thức taxi dù. Khách hàng nhớ đến hãng bởi chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ, giá cước hợp lý... chứ đâu phải màu sơn của chiếc xe? Việc xử lý hoạt động lộn xộn của các hãng taxi và nạn taxi dù, trước hết phụ thuộc vào chính ý thức của từng doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mỗi hãng xe taxi phải đăng ký một màu sơn: Liệu có hiện thực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.