Hiện tôi là người quản lý chuyên môn về dược tại một cơ sở kinh doanh thuốc. Do việc riêng gia đình, tôi phải đi vắng một thời gian, không thể trực tiếp điều hành cơ sở kinh doanh thuốc. Xin hỏi, trong trường hợp này, để cơ sở hoạt động bình thường thì tôi cần thực hiện thủ tục gì? Nguyễn Thị Thu Thảo (Quận Hà Đông, Hà Nội)
Hiện tôi là người quản lý chuyên môn về dược tại một cơ sở kinh doanh thuốc. Do việc riêng gia đình, tôi phải đi vắng một thời gian, không thể trực tiếp điều hành cơ sở kinh doanh thuốc. Xin hỏi, trong trường hợp này, để cơ sở hoạt động bình thường thì tôi cần thực hiện thủ tục gì?
Nguyễn Thị Thu Thảo (Quận Hà Đông, Hà Nội)
Luật sư Lương Thị Trâm (Công ty Luật số 5 - Quốc gia; ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Kinh doanh thuốc là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ thuốc hoặc cung ứng dịch vụ liên quan đến thuốc trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi (Điều 2 Khoản 25 Luật Dược năm 2005).
Căn cứ quy định tại điểm a, Mục 8, Phần II của Thông tư 02/2007/TT-BYT ngày 24-11-2007 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều về điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật Dược và Nghị định 79/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư 02/2007/TT-BYT) thì trong trường hợp người quản lý chuyên môn đi vắng, không thể trực tiếp điều hành để cơ sở kinh doanh thuốc tiếp tục hoạt động thì cần thực hiện theo quy định sau: Nếu thời gian đi vắng dưới 3 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế. Nếu thời gian đi vắng trên 3 ngày đến dưới 30 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế, có văn bản báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại nơi cơ sở đang hoạt động, kể cả trường hợp cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Bộ Y tế cấp. Nếu thời gian đi vắng từ 30 ngày đến 180 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế, có văn bản báo cáo cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và phải được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản. Nếu thời gian đi vắng trên 180 ngày thì cơ sở kinh doanh thuốc phải làm thủ tục đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho người quản lý chuyên môn khác thay thế và đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán lẻ thuốc và đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với các loại hình kinh doanh khác.
Trong thời gian ủy quyền, người được ủy quyền, người ủy quyền và đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động chuyên môn của cơ sở, nếu có sai phạm về chuyên môn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.