Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, quy định đấu giá tài sản “nóng” lên sau khi xảy ra vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh), từ đó đặt vấn đề việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản có khắc phục được ví dụ điển hình này không?
Chiều 16-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
“Quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” đấu giá
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc; còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”…
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá theo hướng: Bổ sung việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản; việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến; các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, công ty mẹ, công ty con... để bảo đảm tính khách quan, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá…
Bổ sung quy định cách thức xác định tiền đặt trước, bảo đảm an toàn cho khoản tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; sửa đổi quy định về việc trả giá, hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp theo hướng rõ ràng, chặt chẽ; không áp dụng thủ tục đấu giá rút gọn đối với quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác theo quy định của Luật có liên quan; việc đấu giá trong trường hợp một người phù hợp với quy định của các luật khác, như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần rà soát, quy định tại pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai trường hợp áp dụng các mức cụ thể của khoản tiền đặt trước theo hướng quy định nêu rõ mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở mức cao nhất để hạn chế việc bỏ tiền đặt trước, thao túng thị trường.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối với quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước để khắc phục tình trạng khách hàng tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá. Ngoài ra, quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ; tuy nhiên, nếu rút ngắn có thể gây ra khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn.
Cần làm rõ vị trí trong hệ thống pháp luật
Nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành, góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá cần cân nhắc việc cấm anh, chị, em ruột tham gia đấu giá trong cùng một tài sản khi các chủ thể này không có kinh tế, tài sản chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị, tiền đặt trước đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để đầu tư dự án trong dự thảo Luật quy định là từ 10% đến 20%. “Trong khi Luật hiện hành chỉ quy định 5%, mặt khác đất đai là tài sản có giá trị lớn, nhất là đối với các trường hợp thực hiện dự án đầu tư. Do đó, cần làm rõ lý do việc điều chỉnh tiền đặt trước đấu giá và đánh giá tác động của quy định này trên thực tiễn”, bà Lê Thị Nga nói.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm về 2 vấn đề lớn của dự thảo Luật. Nội dung lớn nhất là quan hệ của Luật này với hệ thống pháp luật. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nói tại phiên chất vấn ngày 15-8 thì đây là Luật “hình thức”, nội dung lại nằm ở luật khác. “Luật “hình thức” thì quy định đến đâu và quy định cái gì? Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã đầy đủ chưa khi tài sản “vô hình” đang có xu hướng phát triển, đồng thời đặt vấn đề có đem ra đấu giá không, đấu giá như thế nào đối với tài sản này”, đồng chí Vương Đình Huệ đặt vấn đề, đồng thời nêu ví dụ quốc tế có đấu giá lên và đấu giá xuống, nhưng đấu giá ở Việt Nam chỉ có đấu giá lên, vậy có áp dụng đấu giá xuống không và vì sao.
Vấn đề quan trọng nữa của Luật, theo Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, quy định đấu giá tài sản “nóng” lên sau khi xảy ra vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất với giá trúng là 24.500 tỷ đồng), từ đó đặt ra vấn đề việc sửa đổi, bổ sung Luật có khắc phục được ví dụ điển hình này không. “Việc sửa Luật có giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay về đấu giá tài sản?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị làm rõ quy định nguyên tắc, trình tự thủ tục đối với đấu giá tài sản thi hành án, tài sản công ở nước ngoài; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đáp ứng điều kiện để thực hiện 3 hình thức đấu giá hiện nay (bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến)…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.