(HNMCT) - Cách đây vài hôm, các hộ sống tại một chung cư ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, nhận được thông báo khiến người nhận vừa vui vừa buồn. Chuyện là gần đây Ban quản lý tòa nhà nhận được phản ánh của nhiều cư dân về việc một số hộ nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, đã không thực hiện đúng quy định khi đưa vật nuôi ra khỏi căn hộ của mình. Đó là lý do Ban quản lý gửi thông báo đề nghị các hộ nuôi thú cưng: Đeo rọ mõm cho chó khi dắt ra khỏi căn hộ, chỉ sử dụng thang hàng hoặc đi thang bộ để di chuyển thú cưng, không thả vật nuôi ra khu vực tiện ích chung…
Vui, vì Ban quản lý đã tiếp thu và có hình thức nhắc nhở kịp thời. Buồn, vì vẫn còn những hộ nuôi thú cưng thiếu ý thức, nghĩ đến chó nhà mình nhiều hơn nghĩ tới hàng xóm, láng giềng, bất chấp quy định chung tại chung cư. Một chút buồn nữa là Ban quản lý chỉ “mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ thực hiện từ phía quý cư dân về việc nuôi và kiểm soát thú cưng trong tòa nhà”. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu những người thiếu ý thức vẫn không chấp hành thì cũng chẳng bị xử phạt.
Tại một chung cư đã vậy, ra ngoài đường, không khó bắt gặp hình ảnh những chú chó không đeo rọ mõm vẫn tự do dạo chơi quanh nhà. Có chú chó hiếu động, khi được thả ra, phấn khích chạy nhảy khiến không ít người đi đường khiếp vía. Đặc biệt, từng xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan tới thú cưng (là giống chó dữ) tấn công người, thậm chí tấn công cả chủ nuôi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 500 nghìn người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng, trong đó có khoảng 80 người tử vong do bệnh dại. Vẫn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dại hoàn toàn có thể dự phòng nếu có sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng, đặc biệt là chủ nuôi chó, mèo, bắt đầu từ việc quản lý tốt đàn chó và nâng tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại.
Được biết, để công tác quản lý việc nuôi chó mèo thuận lợi, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ban hành ngày 31-12-2021, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã tăng mức phạt với hành vi thả rông vật nuôi ở nơi công cộng. Theo đó, việc thả rông vật nuôi như chó, mèo… trong chung cư hay công viên có thể bị phạt đến 500.000 đồng. Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng. Trong khi trước đây, theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt quy định với hành vi này chỉ là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Vẫn theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác, chủ nuôi sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng…
Đầu năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, UBND xã, phường, thị trấn phải lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xóm trên địa bàn cấp xã, đảm bảo quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trên địa bàn cấp xã. Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng thì phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, xích chó hoặc có người dắt… Thành phố cũng yêu cầu thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại các xã, phường ở 30 quận, huyện, thị xã.
Quy định đã rõ, vấn đề là cần phải thực hiện nghiêm ngay tại cơ sở để xây dựng ý thức vì cộng đồng cho các chủ nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.