(HNM) - Sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên (sáng 19-2, giờ Hà Nội) nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về
Nước Anh đi hay ở lại EU là nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussels. |
Với sự hiện diện của lãnh đạo 28 quốc gia thành viên, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên năm 2016 của EU dành phần lớn thời gian (hai ngày) để thảo luận các điều kiện mà nước Anh đặt ra. Trong khi đó, London đã bắt đầu "đếm ngược" cho cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 tới về việc ra đi hay ở lại EU.
Cuộc thương thảo quan trọng diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi nội các của Thủ tướng David Cameron có những bước đi thiện chí nhằm đáp lại bản dự thảo các điều khoản thành viên mới dành cho xứ Sương mù mà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk công bố sau một thời gian dài thảo luận. Thế nhưng, cuộc thương lượng vẫn hết sức cam go khi không có nhà lãnh đạo EU nào thay đổi lập trường cứng rắn trước những điều kiện do London đưa ra. Nhiều nước bảo lưu quan điểm không chấp nhận sửa đổi hàng loạt hiệp ước tạo lập EU - được thực hiện nhiều năm qua - chỉ vì người Anh muốn được hưởng quy chế ưu đãi riêng biệt.
Trong 4 điều kiện Thủ tướng Anh D.Cameron đưa ra, Pháp và các nước khác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) không đồng ý với yêu cầu của London muốn các nước nằm ngoài Eurozone có quyền can dự vào các cuộc thảo luận về luật mới cho Eurozone. Vì, điều kiện này không nằm ngoài mục đích của số 10 phố Downing nhằm bảo vệ lợi ích của trung tâm tài chính London. Các nước Trung và Đông Âu phản đối yêu cầu của Anh về hạn chế phúc lợi trẻ em với công dân nhập cư.
Theo đó, những công dân EU làm việc ở Anh trong 4 năm đầu sẽ không được nhận phúc lợi trẻ em để gửi về cho con cái của họ ở quê nhà. Đòi hỏi này của Anh đã làm dấy lên sự giận dữ tại Trung Âu và Đông Âu khi hàng trăm nghìn người đã tới Anh và được hưởng trợ cấp khi họ được ký hợp đồng lao động. Chính phủ Anh còn vấp phải sự phản đối từ nhiều nước thành viên đối với đòi hỏi được miễn trừ thực hiện điều khoản hội nhập chính trị hơn nữa trong EU.
Nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng, việc một bộ luật đã được Nghị viện Châu Âu thông qua nhưng nước Anh lại có quyền phủ quyết sau đó là khó có thể chấp nhận. Nếu đòi hỏi này của London thành hiện thực, Châu Âu sẽ phải sửa đổi hầu hết hiệp ước nền tảng. Không đồng tình với Anh, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng, đạt được thỏa thuận giữ Anh lại trong EU là quan trọng; song thỏa thuận không phải là cái giá để "phá vỡ" dự án Châu Âu.
Ông C.Michel nhấn mạnh muốn làm tất cả để giữ Anh ở lại EU nhưng cũng sẽ bảo vệ niềm tin Châu Âu, giá trị Châu Âu; đồng thời kêu gọi không để "câu chuyện" kéo dài và chính người Anh sẽ phải lựa chọn EU hay nước Anh. Cùng quan điểm với Thủ tướng Bỉ, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng thỏa thuận có thể đạt được, Anh phải ở lại EU vì điều này cần thiết; nhưng, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết hoặc lấy đi các quy định của Châu Âu.
Sốt ruột với những gì đang diễn ra, Thủ tướng D.Cameron trong phát biểu tại Hội nghị nhấn mạnh "câu hỏi về vị trí của nước Anh ở EU đã được đặt ra quá lâu và giờ là lúc phải có câu trả lời". Ông chủ số 10 phố Downing tuyên bố sẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào nếu không đáp ứng được các đòi hỏi của Anh; song, vẫn hy vọng vào một thỏa thuận đạt được sau hội nghị. Nếu thất bại, London vẫn còn cơ hội để đạt được thỏa thuận khả dĩ tại một hội nghị EU bổ sung dự kiến vào cuối tháng này hoặc tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong tháng 3.
Dù tinh thần chung của các bên tại Brussels là muốn đạt được thỏa thuận với Anh để EU - sau hơn 4 thập niên "cùng chung một mái nhà" - không mất đi một thành viên trụ cột; song, những gì diễn ra tại Brussels hơn 24 giờ qua cho thấy khác biệt giữa London và các bên liên quan càng mở rộng thay vì được thu hẹp. Việc tìm tiếng nói chung trong những giờ tới giữa Anh và các thành viên còn lại của EU tại thủ đô Brussels được dự báo càng khó khăn hơn khi London kiên quyết đòi một "quy chế" trong khi nhiều nước Châu Âu không có dấu hiệu thỏa hiệp và ngán ngẩm trước các điều kiện "kiểu Anh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.