(HNM) - "Chưa khi nào Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT rà soát kỹ quy chế như lần này, bởi nó sẽ là "khung quy định" cho sự vận hành của bóng đá chuyên nghiệp trong thời gian dài, không phải riêng cho năm 2012" - Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Phạm Ngọc Viễn cho biết tại buổi lễ công bố quy chế bóng đá chuyên nghiệp, được tổ chức sáng 26-4 tại Hà Nội. Có khá nhiều điểm đáng chú ý ở bản quy chế này.
Ư u tiên phát triển đào tạo trẻ là một trong những điểm nhấn nổi bật. Khoản 5, điều 11 quy chế quy định: Từ mùa giải 2014, các CLB dự giải VĐQG, hạng nhất QG phải có trung tâm đào tạo trẻ hoặc học viện bóng đá gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19. Khoản 10, điều 38 cũng quy định, từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký, CLB phải có tối thiểu 3 cầu thủ dưới 21 tuổi. Khoản 1, điều 40 quy định từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký mỗi trận phải có tối thiểu hai cầu thủ dưới 21 tuổi. Tất cả nhằm buộc các CLB quan tâm đến công tác đào tạo bóng đá trẻ, tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ trưởng thành qua thi đấu, ở môi trường chuyên nghiệp.
Từ mùa giải 2013, các CLB dự giải VĐQG, hạng nhất QG phải có tối thiểu 3 cầu thủ dưới 21 tuổi. Ảnh: Như Ý |
Quy định là vậy, nhưng có phù hợp với khả năng của các CLB, bởi việc thực hiện yêu cầu các CLB phải có trung tâm đào tạo trẻ phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất và kinh phí? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định: Đào tạo lực lượng VĐV kế cận đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tương lai của nền bóng đá. Tuy nhiên, do trước đây, bóng đá chuyên nghiệp mới ở giai đoạn thử nghiệm nên việc đào tạo trẻ còn chưa được như ý, dẫn đến tình trạng "cầu lớn, cung ít", tác động xấu đến thị trường chuyển nhượng. Nếu không đặt "cột mốc", "bắt" các CLB phải thực hiện, sẽ không thể phát triển bóng đá. Vì vậy, quy chế quy định: Từ mùa giải năm 2013, mỗi CLB chuyên nghiệp phải có 3 trong số 4 đội trẻ (từ U15 đến U21) tham dự giải, nếu không, sẽ bị phạt 200 triệu đồng/đội để VFF làm quỹ phục vụ công tác đào tạo trẻ và các đội tuyển trẻ quốc gia.
Bản quy chế cũng xác định vai trò của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Khoản 3, điều 3, chương VI "Quyền sở hữu Giải thể thao chuyên nghiệp" nêu rõ: Từ mùa giải 2012, VFF trao quyền tổ chức các giải VĐQG, hạng nhất QG, Cúp QG, trận Siêu cúp cho VPF. Như vậy, với điều khoản này, VPF được chính danh thực hiện công việc quản lý và điều hành các giải đấu.
Một điểm đáng chú ý khác là năm 2012, mỗi CLB phải bảo đảm kinh phí hoạt động tối thiểu là 25 tỷ đồng/năm (CLB chuyên nghiệp) và tối thiểu là 15 tỷ đồng/năm (hạng nhất). Con số này vào năm 2013 sẽ là 40 tỷ đồng/năm (chuyên nghiệp) và 25 tỷ đồng/năm (hạng nhất). CLB nào không đáp ứng sẽ bị chuyển xuống thi đấu ở hạng có mức kinh phí phù hợp và bị thay thế bằng CLB thỏa mãn yêu cầu này, có thứ hạng cao ở hạng liền kề.
Có khá nhiều băn khoăn, ví như: Mức phạt khi các CLB không có các đội trẻ chỉ vào khoảng 100-200 triệu đồng/đội liệu có khiến các CLB phải nỗ lực xây dựng lực lượng trẻ ? Lo ngại này là có cơ sở vì các ông bầu có thể chi tiền tỷ chỉ để thưởng nóng thì họ sẵn sàng nộp phạt để khỏi phải lo đào tạo trẻ, vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc. Hoặc giả, làm thế nào để có được sự phát triển ổn định, khi mà số phận của mỗi CLB phụ thuộc quá nhiều vào việc các ông bầu có muốn làm, hoặc tiếp tục "kinh doanh" bóng đá?...
Tuy không thể giải quyết mọi vấn đề của bóng đá hiện nay, nhưng dẫu sao, những điều nêu trong bản quy chế (gồm 8 chương, 70 điều) được coi là "sự cam kết của tất cả những chủ thể hoạt động trong lĩnh vực bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta và bắt buộc tất cả chủ thể phải chấp hành", như phần mở đầu của quy chế đã ghi. Vì vậy, có thể tin rằng công tác quản lý và điều hành các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp sẽ có những điểm tiến bộ hơn nhờ những quy định khung này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.