(HNM) - Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng đề án thành lập Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Theo tính toán sau 15 năm đóng góp, số tiền người lao động nhận được hằng tháng từ nguồn bảo hiểm hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng.
Nếu cộng thêm mức lương hưu cơ bản, số tiền thực lĩnh của NLĐ khi nghỉ chế độ có thể lên tới gần 10 triệu đồng/tháng. Dù vậy, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn vì tính khả thi của đề án, nhất là trong bối cảnh bài toán nợ đọng bảo hiểm xã hội đang trở thành vấn nạn chưa có lời giải.
Người dân đến lĩnh lương hưu qua hệ thống bưu điện tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. |
Lợi ích thiết thực
Khảo sát ý kiến các cán bộ hưu trí trên địa bàn Hà Nội cho thấy, với mức lương hưu hiện nay, nhiều người vẫn phải làm thêm để trả cho các khoản phát sinh như tiền thuốc men, viện phí. Thực tế, bảo hiểm xã hội chỉ chi trả một phần viện phí. Trong khi đó, tiền thuốc, tiền lương thực, thực phẩm tăng nhanh khiến lương hưu không đủ cho chi dùng sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Do vậy, chọn việc làm thêm để giảm gánh nặng cho con cháu là cách mà nhiều cán bộ hưu trí lựa chọn.
Theo Bộ LĐ,TB&XH, việc áp dụng Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung là cần thiết trong bối cảnh những năm gần đây tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc độc hại nên khi nghỉ hưu, nhiều người sức khỏe suy giảm và nếu chỉ trông chờ vào chế độ hưu trí cơ bản hiện nay, với mức lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng sẽ khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Thực tế, trên thế giới đã có gần 100 quốc gia triển khai mô hình Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung nhưng ở nước ta, đây là khái niệm khá mới mẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân, Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động. Bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được Nhà nước chi trả, người nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hằng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời. Mức đóng góp có thể từ 5 đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của NLĐ (sẽ có quy định mức đóng tối thiểu và tối đa). Số tiền đóng góp vào quỹ của NLĐ sẽ được chuyển vào tài khoản của họ tại ngân hàng (do chủ doanh nghiệp (DN) lựa chọn) và tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu. Việc đăng ký tham gia quỹ rất đơn giản, thuận tiện. Ông Phạm Minh Huân khẳng định: Triển khai Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng là cách để DN tăng thu nhập cho NLĐ trong tương lai. Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Trong trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục tham gia hoặc qua đời trước thời gian được hưởng sẽ được tính toán chi trả lại khoản đã đóng góp.
Còn nhiều băn khoăn
Theo dự thảo đề án Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015): Hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN; giai đoạn 2 (2015-2020) hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia; giai đoạn 3 (sau 2020) nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.
Mục đích của Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung đem lại là không thể phủ nhận song vẫn có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án, nhất là trong giai đoạn hiện nay DN tìm mọi cách để "cắt giảm" chi phí. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Mục đích của đề án là tốt, với kỳ vọng giúp NLĐ có cơ hội được hưởng mức lương hưu cao hơn, giúp DN thu hút được nhiều lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay việc vận động DN tham gia thí điểm là điều không dễ bởi họ đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Nhiều DN vẫn còn nợ lương công nhân, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, nên việc tham gia Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung là rất khó khăn, đặc biệt khi có rất ít người biết đến quỹ này, kể cả lãnh đạo DN hay lãnh đạo công đoàn ở các DN lớn.
Từ tháng 6-2011, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức một cuộc khảo sát tại 610 DN ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, có hơn 70% DN sẵn sàng tham gia quỹ. Tuy nhiên, ý kiến nhiều DN cho rằng, kết quả khảo sát trên quá cũ, không phù hợp, không thể lấy đó làm thước đo năng lực tài chính chung cho tất cả DN. Dự kiến tháng 11 tới, đề án Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được Bộ LĐ,TB&XH trình Chính phủ. Hy vọng, đề án có thể đưa ra được những điểm tích cực, có lợi nhất cho NLĐ và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.