Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Quý bà Al-Qaeda”

Minh Nhật| 27/09/2010 07:28

(HNM) - Ngày 23-9, nhà chức trách Mỹ đã dành bản án 86 năm tù giam cho Aafia Siddiqui, nhà thần kinh học người Pakistan vì tội danh âm mưu giết hại các binh sĩ Mỹ. Người phụ nữ 38 tuổi này đã cướp vũ khí, nổ súng vào các sĩ quan Mỹ và hét to khẩu hiệu

Được mệnh danh là "Quý bà Al-Qaeda", các công tố viên tại New York xem Siddiqui là một phần tử Hồi giáo cực đoan có tư tưởng ủng hộ tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới và mức án trên là phù hợp với những hành động bạo lực mà cô ta gây ra. Sinh ra tại Karachi, Siddiqui đã từng theo học tại Học viện Công nghệ Massachusset danh giá của Mỹ và tham gia nhiều hoạt động từ thiện và thu nạp người Hồi giáo tại nước này trước khi trở về Pakistan năm 2001. Nhà thần kinh học này cùng 3 đứa con đã biến mất đầy bí ẩn vào tháng 3-2003, một thời gian ngắn sau khi chú ruột của người chồng thứ hai, Khalid Sheikh Mohammed bị bắt.

Đây chính là kẻ đã lên kế hoạch vụ tấn công 11-9 kinh hoàng trên nước Mỹ. Cũng trong năm 2003, Siddiqui bị đưa vào danh sách những phần tử khủng bố bị truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cho dù cơ quan này chưa tìm thấy thông tin nào cho thấy người phụ nữ trẻ này có liên quan đến các hành động khủng bố nhưng họ vẫn lùng bắt và thẩm vấn cô. Tháng 5-2004, Siddiqui trở thành một trong 7 phần tử khủng bố bị FBI truy lùng gắt gao nhất. Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm của Mỹ, cô ta vẫn mai danh ẩn tích cho đến 4 năm sau đó, Siddiqui bị bắt tại Afghanistan, bên ngoài văn phòng của Tỉnh trưởng tỉnh Ghazni do bị tình nghi định đánh bom tự sát. Cảnh sát cho biết lúc đó trong chiếc túi xách của Siddiqui có bản chỉ dẫn cách tạo thuốc thổ C-4, thuốc súng, các virus chết người cùng những thiết bị có thể bắn hạ máy bay do thám Mỹ. Ngoài ra, cô ta còn mang theo hai thùng chất độc xyanua natri với những ghi chú đề cập đến hàng loạt các địa danh nổi tiếng tại New York như tòa nhà Empire State, Tượng Nữ thần tự do, cầu Brooklyn.

Siddiqui đã trúng đạn và bị thương nặng một ngày sau khi bị bắt vì cướp súng trường bắn các thẩm vấn viên Mỹ. Cô ta được điều trị tại căn cứ không quân Bagram và đưa tới Mỹ 17 ngày sau đó để đối mặt với hai tội danh âm mưu giết hại và tấn công vũ trang các nhân viên quân sự Mỹ do Tòa án Liên bang New York cáo buộc. Tuy nhiên, Siddiqui phủ nhận cả hai tội danh và tuyên bố các điều tra viên Mỹ đã nổ súng khi cô tìm cách chạy trốn. Vụ xét xử đã được cả dư luận Mỹ, Pakistan và một số tổ chức nhân quyền theo dõi đặc biệt khi các luật sư lập luận thân chủ của họ bị tâm thần. Thông tin người phụ nữ này đã bị tra tấn khi xét hỏi cũng tạo nên nhiều nghi vấn quanh sự vụ. Mặc dù vậy, việc kiểm tra tâm lý và điều trị vật lý từ cơ quan y tế Mỹ cho thấy Siddiqui hoàn toàn đủ minh mẫn để ra tòa.

Phiên xét xử kéo dài 14 ngày đã bị ngắt quãng nhiều lần khi bị cáo tỏ ra quá khích khiến thẩm phán phải yêu cầu đưa Siddiqui ra ngoài phòng xử. 3 ngày hội thẩm đã đưa bồi thẩm đoàn tới quyết định giữ nguyên những tội danh được đưa ra trong cáo trạng hồi tháng 2 năm 2010.

Mức án đồng nghĩa với việc Siddiqui phải bóc lịch trọn đời trong trại giam đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận Pakistan. Các cuộc biểu tình rầm rộ đòi trả tự do cho nhà thần kinh học này đã diễn ra tại Karachi, Lahore và Peshawar. Nhiều người ủng hộ cho rằng Siddiqui không phải là một phần tử cực đoan. Cô và con đã bị tình báo Pakistan bắt giữ và thẩm vấn bất hợp pháp trong suốt 5 năm mất tích trong khi gia đình cô khẳng định vụ bắt cóc được thực hiện với sự chỉ đạo của tình báo Mỹ. Đến nay cả chính phủ Mỹ và Pakistan đều phủ nhận những cáo buộc liên quan đến nhân vật mà họ cho rằng là người phụ nữ bị truy nã hàng đầu trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Quý bà Al-Qaeda”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.