Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, Nga đang tích cực làm việc với Syria nhằm bắt đầu một tiến trình dàn xếp chính trị ở nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gatilov khẳng định lại quan điểm của Nga là phản đối can thiệp vào Syria, đồng thời bất cứ sự thay đổi nào trong chính phủ phải bắt nguồn từ một tiến trình chính trị nội bộ Syria chứ không phải từ sức ép bên ngoài đang hối thúc Tổng thống Assad từ chức.
Theo ông Gatilov, những cố gắng tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này bằng lực lượng bên ngoài sẽ chỉ dẫn đến căng thẳng leo thang. Chủ quyền của Syria cần được tôn trọng và bạo lực phải chấm dứt.
Trong khi đó, ngày 9/4, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carnay nhận xét rằng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ chế độ của Tổng thống Assad sẽ tuân thủ những cam kết với Đặc phái viên Annan. Hiện nay, tất cả đang chờ đợi thời hạn chót ngày 10/4 và xem Đặc phái viên Annan có đánh giá gì về hành xử của chính quyền Syria.
Ngày 9/4, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng các vụ tấn công nhằm vào dân thường trước thời hạn chót là ngày 10/4 để rút binh sĩ và vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố của nước này.
Người Phát ngôn của LHQ Nesirky nói, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã yêu cầu Chính phủ Syria ngay lập tức ngừng tất cả các hành động quân sự chống lại dân thường và thực hiện tất cả cam kết đã đưa ra thông qua Đặc phái viên chung Kofi Annan.
Trước đó, Syria đã chấp nhận kế hoạch của ông Annan về việc rút quân và vũ khí khỏi các thành phố vào ngày 10/4 và chấm dứt hoàn toàn xung đột 48 tiếng sau đó, nhưng vào phút chót, Chính phủ Syria đã đưa ra điều kiện đòi các phe nhóm đối lập phải đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ hạ vũ khí.
Thủ lĩnh quân nổi dậy, Đại tá Riyadh al-Asaad bác bỏ yêu cầu này.
Trong diễn biến liên quan, ngày 9/4, Trung Quốc đã kêu gọi Syria tôn trọng cam kết ngừng bắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân kêu gọi hai phe trong cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt một năm qua tôn trọng các cam kết, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh và trao cho ông Annan thêm thời gian.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.