(HNMO) - Chiều 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án luật gồm: Luật giá, Luật công đoàn sửa đổi, Luật giám định tư pháp, Luật phổ biến giáo dục pháp luật và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nhà nước quyết định khung giá bán lẻ điện
Gồm 5 chương, 48 điều, dự thảo Luật Giá được 95,39% đại biểu QH thông qua và hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật quy định một số điểm đáng chú ý, về giá điện một mặt Nhà nước vẫn kiểm soát được giá bán lẻ điện thông qua quyết định khung giá bán lẻ và quyết định mức giá cụ thể đối với truyền tải, phân phối mà không để doanh nghiệp tự định giá hoàn toàn. Luật cũng đưa ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Phân đạm; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm truyên truyền, giáo dục pháp luật tới người lao động
Với 93,79% đại biểu tán thành, Dự thảo Luật phổ biến giáo dục pháp luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Luật này quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật cũng quy định trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp được chú trọng thực hiện thông qua việc phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, giỏ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Giám định tư pháp công lập, vẫn trực thuộc công an
Chiều cùng ngày, Dự thảo Luật giám định tư pháp đã được biểu quyết thông qua. Một số nội dung đáng chú ý của Luật này là: Về quyền của đương sự được trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp tại Điều 22 quy định các quyền: Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận theo nội dung đã yêu cầu; Yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định; Đề nghị Toà án triệu tập người thực hiện giám định tư pháp tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định; Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
Về tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của Luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Theo đó, Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Đồng ý tăng mức phạt với khu vực nội thành các TP trực thuộc TƯ
Dự Luật xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua với 85,77% đại biểu tán thành. Quốc hội tán thành với quy định bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đề nghị Chính phủ, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để các đối tượng này.
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, cho phép quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng. Về mức phạt tiền, đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc TƯ thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối với thẩm quyền xử phạt của các chức danh, Luật bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã được áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Khoản 1 Điều 38. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Đoàn phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương
Được thông qua sau cùng, Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về Tài chính công đoàn, Luật quy định gồm các nguồn thu: Đoàn phí công đoàn; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ; Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.