Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội thảo luận sửa đổi các luật thuế

Theo Lê Sơn| 04/11/2014 15:51

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Sửa đổi bổ sung các luật thuế theo trình tự “một luật sửa nhiều luật”...

Đoàn đại biểu các tỉnh Hà Giang, Kiên Giang thảo luận Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, sáng 4/11. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao; trong đó Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế; tiếp tục đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế...

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội nước ta thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết, đang đàm phán và đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước; đảm bảo tính nhất quán, ổn định của chính sách, đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong ưu đãi đầu tư.

Mặt khác, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, quá trình sửa đổi các luật thuế này cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan thực thi việc nộp thuế, nhất là đối với các DN chây ỳ, tái phạm nhiều lần việc nộp thuế. Đồng thời cũng có thể tiến hành “khoanh nợ” cho DN gặp khó khăn, khi làm ăn khá lên thì phải nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải công tâm, nghiêm minh để tránh hiện tượng lợi dụng trục lợi.

Đồng tình với việc sửa đổi các luật thuế lần này, đại biểu Trần Tiến Dũng (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, các sắc thuế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, phát triển đất nước và DN.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhìn nhận, Luật Thu nhập DN có ưu đãi với DN đầu tư một số lĩnh vực khuyến khích như tam nông, nhưng thực tế DN vẫn đầu tư vào khu vực này rất ít. Nhà nước đầu tư một số chương trình nhưng hiệu quả còn hạn chế. Do đó, việc sửa đổi các sắc thuế phải có giải pháp hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển, phát huy tiềm năng và lợi thế của khu vực còn nhiều khó khăn này như đảm bảo đầu ra, đầu vào của sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Luật Quản lý thuế vẫn còn bộc lộ những điểm yếu như thu chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời và phải hiện đại công tác quản lý thuế. Đặc biệt, ngoài quản lý đối tượng thu thuế nhưng phải quản lý và chế tài chặt chẽ cả cán bộ đi thu thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tỉnh Bắc Ninh) kiến nghị miễn thuế thu nhập DN cho các tổ chức tài chính vi mô thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bởi đây là các tổ chức tài chính nhỏ, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ, vùng sâu, vùng xa.

Tán thành nhiều nội dung tại Tờ trình và báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Văn Luật (tỉnh Kiên Giang) đề nghị nên có báo cáo thêm về việc điều chỉnh các đối tượng chịu thuế và đánh giá tác động đến các đối tượng có liên quan khi sửa đổi các sắc thuế này. Bên cạnh việc hoàn thiện việc quản lý thuế để tăng thu cũng nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Một trong những mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là thuốc lá, đại biểu Dũng cho biết: Buôn lậu thuốc lá gây thất thu ngân sách hàng tỷ USD. Việc tăng thuế thuế thuốc sẽ làm giá mặt hàng này tăng theo nhưng liệu có giảm người tiêu thụ? Mặt khác, quản lý không tốt sẽ để cho thuốc ngoại tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và thất thu ngân sách quốc gia khi mà thuốc lá nội cạnh tranh không nổi với thuốc lá ngoại.

Đây là bài toàn nan giải đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Nếu không quản lý tốt thì vô hình trung sẽ tác dụng ngược đối với mặt hàng này hiện nay.

Đặc biệt, điều làm cho đại biểu hết sức quan tâm là việc sửa đổi các sắc thuế lần này cần phải quản lý thuế hiệu quả hơn đối với các hành vi “chuyển giá để trốn thuế”, “lỗ giả lãi thật” của không ít DN, đang gây nhức nhối hiện nay, nhất là các DN nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước) lại cho rằng: Kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm như casino, vũ trường, mát xa, karaoke, trò chơi có thưởng nên tăng thêm thuế so với đề xuất hiện nay của Chính phủ, vì loại hình kinh doanh này không phải bỏ chất xám hay vốn đầu tư lớn so với các ngành nghề kinh doanh khác.

Tuy nhiên, với thuốc lá thì không nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vì người nghiện thuốc vẫn hút dù giá cao, trong khi thuốc lá lậu vẫn có "đất sống".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận sửa đổi các luật thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.