(HNMO) - Sáng nay (19/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.
ĐB Danh Quốc (Kiên Giang) là ĐB đầu tiên tham gia phát biểu về một số vấn đề liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Dự thảo Luật quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Tại sao chỉ có 3 cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không có quy hoạch cấp xã. Trong khi đó cấp xã là cấp cơ sở để quy hoạch, kế hoạch chi tiết, là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Do đó, tôi đề nghị giữ quy hoạch cấp xã như Luật đất đai hiện hành. Nếu chỉ có quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện là những tầm quy hoạch rất rộng, sẽ có nhiều quy hoạch treo, sẽ cản trở sự phát triển, gây ra sử dụng đất đai không hợp lý” - ĐB này nêu rõ.
Về thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn, Dự thảo Luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc quyền sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. ĐB đề nghị cần xem xét lại và chưa nên quy định vấn đề này trong dự án Luật đất đai sửa đổi vì đây là vấn đề mới, chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm. Trường hợp tổ chức vay không trả được nợ ở ngân hàng nước ngòai thì xử lý tài sản như thế nào trong khi đất đai thuộc sở hữu của toàn dân. ĐB Danh Quốc cũng nêu lên một số đặc thù chưa được đề cập cụ thể về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
|
ĐB Mai Hữu Tính: Trao đổi về khía cạnh quan hệ giữa Nhà nước và DN với các vấn đề liên quan đến đất đai. Mong muốn chung vào Luật đất đai sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện để chúng ta phát huy tốt nhất nguồn lực vô cùng quan trọng này cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Muốn như vậy, quyền lợi của tất cả các bên liên quan: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư đều phải được tôn trọng đúng mức. Nhà nước với vai trò đại diện cho lợi ích toàn dân cần tạo điều kiện để các giao dịch về đất được diễn ra đơn giản, nhanh chóng, với chi phí hợp lý để thu hút được nhiều đầu tư hơn vào đất.
Đề nghị QH và cơ quan soạn thảo cân nhắc thật kỹ về quyền được ưu tiên chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất của Nhà nước quy định ở điều 22 của dự Luật. Theo đó khi người sử dụng đất có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì phải đăng ký việc này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan này sẽ cân nhắc có nhận chuyển nhượng hay không, nếu không thì thông báo cho người sử dụng đất, nếu có thì giao nhiệm vụ cho tổ chức phát triển quỹ đất mua tài sản đó để sau đó đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Nhà nước trong trường hợp này trở thành tổ chức kinh doanh đất với quyền ưu tiên.
”Vấn đề đặt ra là tại sao người sử dụng đất không có quyền tự tổ chức bán đấu giá tài sản của mình trên đất và quyền sử dụng đất… Nhà nước không thể và cũng không nên tổ chức việc kinh doanh như vậy. Ngân sách nhà nước được quản lý theo những nguyên tắc không nhằm phục vụ cho việc kinh doanh. Nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng công cụ quy hoạch để điều chỉnh việc sử dụng đất theo ý mình và phục vụ cho việc phát triển chung một cách hài hòa, hiệu quả” - ĐB Tính bày tỏ ý kiến.
ĐB Nguyễn Văn Thịnh, Hưng Yên nêu bất cập trong Luật hiện hành khi khung giá đất do Chính phủ ban hành, phân theo từng vùng và cấp đô thị, dẫn đến các tỉnh khó thực hiện xây dựng bản giá đất sát với thị trường, nhưng nếu bỏ quy định này thì các tỉnh không có cơ sở để xây dựng bảng giá đất, thiếu định hướng, dẫn đến mỗi tỉnh xây dựng một khác. Do đó, ĐB đề nghị phải giao cho Chính phủ quy định khung giá đất đến từng tỉnh, cho từng loại đất và khung giá đất được giữ ổn định trong 5 năm và chỉ điều chỉnh trong trường hợp giá đất có sự thay đổi lớn theo như Dự thảo
Về bảng giá đất, theo Luật năm 2003, bảng giá đất giao cho UBND tỉnh ban hành và công bố vào ngày 1/1 đầu năm. Như vậy rất mất thời gian và tốn kém. Giá đất thay đổi hàng năm dẫn đến việc giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình lớn rất khó khăn. ĐB đề nghị quy định UBND tỉnh ban hành bảng giá đất và được giữ ổn định 5 năm để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của DN khi DN nhà nước cổ phần hóa. Khi xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất thì cần phải xác định phù hợp với giá thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, của nhà đầu tư, của người dân có đất bị thu hồi
Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nhiều ĐB đồng tình về thời hạn giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 50 năm. Thời gian này mới đủ thời gian để các hộ dân yên tâm đầu tư vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đánh giá những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn tại, bất cập trong thi hành Luật đất đai năm 2003,
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu rõ trong báo cáo chỉ ra 3 nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất nêu rõ tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai chưa nghiêm, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai còn chưa được chú trọng, hiệu quả kém. Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất dai còn yếu kém về năng lực, phẩm chất, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng. Trong công tác quản lý đất đai, việc thanh tra, kiểm, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai chưa kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Do đó, ĐB đề nghị sửa đổi Luật lần này cần có cơ chế rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cũng như siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện, xử phạt nghiêm minh, công bằng. Người có trách nhiệm cao hơn, cán bộ đảng viên khi vi phạm thì bị xử phạt nặng hơn. Nếu được thế, những tồn tại trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm đi rất nhiều
Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các ĐB.ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) nêu quan điểm: Thu hồi đất có liên quan chặt chẽ đến nguồn tài sản, nguồn sinh kế của dân nên việc bồi thường cho dân phải trên cơ sở bảo tồn mức tài sản nguồn sinh kế tương đương cho họ. Theo nguyên tắc này, giá trị bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất ngang bằng với giá mảnh đất và giá trị các tài sản gắn liền với đất.
Theo đó, trong nhiều trường hợp, giá đất chỉ là một phần trong tòan bộ giá trị đền bù cho người dân. Thực hiện nguyên tắc này sẽ bảo đảm ổn định cuộc sống của những người bị thu hồi đất. Nó còn tạo ra sự công bằng giữa người bị thu hồi đất với người không bị thu hồi đất. Đối với trường hợp người bị thu hồi quyền sử dụng đất mà đất đó là thổ cư trên đó có nhà để ở và là nơi tạo ra sinh kế cho người dân, thì giá tị bồi thường phải bằng với giá mua lại một mảnh đất trên đó có nhà, kể cả tương đương về các điều kiện sinh kế và các chi phí liên quan đến sự chuyển đổi vị trí.