(HNMO) – Ngày 6/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự Luật, đảm bảo hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng CAND, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Theo các đại biểu, phạm vi sửa đổi của dự luật cần quán triệt, phù hợp với các nội dung Hiến pháp mới, các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Đặc biệt, về tổ chức của Công an nhân dân, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiến hành đánh giá thí điểm mô hình Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; làm rõ địa vị pháp lý của Công an xã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ.
Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng công an xã trong dự thảo Luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho lực lượng này triển khai thực thi công vụ. Bởi thực tế hiện nay cơ cấu tổ chức, biên chế của công an xã thuộc chính quyền cơ sở, chỉ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của công an cấp trên.
Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân, các đại biểu đề nghị nên quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong công an nhân dân, để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm phù hợp với cơ cấu tổ chức của công an nhân dân.
Đối với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt, nhiều đại biểu tán thành quy định Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định cấp bậc cao nhất đối với từng tỉnh, thành phố như vậy quá chi tiết, khiến Luật chỉ phù hợp với thời điểm hiện tại, mà không có giá trị lâu dài. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục phong thăng bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân cần bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát.
Về dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân sửa đổi, theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đối với thành phố Hà Nội có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng với vai trò là Thủ đô của cả nước; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cơ bản kế thừa nhiệm vụ và các đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô trước đây. Còn TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh quan trọng trong thế trận phòng thủ đất nước. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng. Còn lại, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, việc quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng là chưa hợp lý, bởi lẽ Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7. Nếu đề nghị quân hàm cao nhất là Trung tướng thì lại tương đương với Bộ tư lệnh Quân khu 7, điều này không phù hợp với quy định là quân hàm cấp trên phải cao hơn quân hàm cấp dưới.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và bên dưới Bộ tư lệnh cũng đã có đơn vị cấp sư đoàn trực thuộc. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hợp nhất của 3 tổ chức trước đây là Quân khu Thủ đô (đã có trần quân hàm Trung tướng từ lâu); Bộ CHQS TP Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, do đó đề nghị quân hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng là hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.