(HNMO)- Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân với 8 Chương, 52 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
|
Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. Đây được coi là hình thức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Về các vấn đề trưng cầu ý dân, có ý kiến ĐB đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân; bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình...
Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, những vấn đề mà đại biểu nêu như quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và như vậy là đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội. Mặt khác, khoản 4 Điều 6 còn có quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để Quốc hội căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết.
Việc xác định thế nào là vấn đề “đặc biệt quan trọng”, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, sẽ gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để QH cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này.
Trước ý kiến ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu, đề nghị rút tỷ lệ này xuống quá 1/2 hoặc 2/3 tổng số cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân. Muốn vậy, kết quả này cần được xác lập trên cơ sở có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần thiết (3/4) và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành để thể hiện sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.
Thực tế tổ chức bầu cử ở nước ta đã chứng minh việc thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo Luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.