Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội Pháp thông qua dự luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân”: Ưu tiên tự chủ năng lượng

Thùy Dương| 24/03/2023 07:11

(HNM) - Để tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” của Chính phủ sau khi văn kiện này vượt "ải" Thượng viện vào tháng trước. Kế hoạch đầu tư hạt nhân là một phần trong chiến lược của Pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính cũng như khẳng định sự ưu tiên tự chủ năng lượng.

Nhà máy Điện hạt nhân Cattenom (Pháp).

Khác với bầu không khí căng thẳng trong các phiên thảo luận về Dự luật cải cách hưu trí đang gây tranh cãi, dự luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ Quốc hội. Với những nội dung chính được thông qua, Chính phủ Pháp đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ mở rộng các nhà máy điện hạt nhân sẵn có và xây thêm 6 nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR2. Luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” mới của Pháp cho phép xem xét kéo dài thời gian vận hành các nhà máy điện hạt nhân hiện nay lên trên 35 năm để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher nêu rõ, mục tiêu của Chính phủ là đưa Pháp trở thành một quốc gia không phát thải các bon. Quan chức này nhấn mạnh rằng, kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân mới là khối công trình đầu tiên trong khuôn khổ dự án nhằm hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân trong nước. Cũng theo người đứng đầu Bộ Năng lượng Pháp, với dự án xây mới 6 lò phản ứng hạt nhân, cơ quan chức năng đang triển khai một cuộc thử nghiệm khoa học và công nghiệp lớn nhất kể từ những năm 1970.

"Làn sóng" xây dựng giữa những năm 1970 và 1990 đã mang lại cho quốc gia này 56 lò phản ứng và vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Năm 2022, điện hạt nhân của Pháp vẫn chiếm hơn 60% cơ cấu sản lượng điện dù một nửa trong số 56 lò phản ứng hạt nhân phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, sự phản đối năng lượng nguyên tử từ các nhà bảo vệ môi trường vì những khó khăn trong việc xử lý chất thải hạt nhân đã "đè nặng" lên lĩnh vực này. Năng lượng hạt nhân bắt đầu được chú ý trở lại những năm gần đây nhờ một trong những thuộc tính của nó là lượng khí thải các bon thấp. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine từ tháng 2-2022 và khi châu Âu cố gắng loại bỏ khí đốt của Nga đã làm giá điện tăng đột biến.

Tổng thống Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ thứ hai của mình đã đặt ưu tiên đầu tư vào điện hạt nhân, coi đây là vấn đề cấp bách. Nhà lãnh đạo Pháp đặt mục tiêu khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân EPR2 thế hệ tiếp theo trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 5-2027 như một phần trong kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới trị giá 52 tỷ euro (56 tỷ USD). Chúng sẽ thay thế các nhà máy hạt nhân cũ từ năm 2035. Việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ cho phép Pháp đáp ứng cam kết đạt được mức trung hòa các bon vào năm 2050 và giúp giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân của Pháp đang được “nhân rộng” trong bối cảnh cả châu Âu lộ thế yếu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài, nhất là từ Nga. Ở châu Âu, Bỉ muốn trì hoãn giai đoạn loại bỏ năng lượng nguyên tử. Tại Đức, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khơi dậy một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên nhìn nhận lại một công nghệ mà nước này đã từ chối từ lâu hay không...

Bất ổn xã hội và chính trị do dự luật cải cách lương hưu gây ra không ngăn được Chính phủ Pháp thúc đẩy chương trình nghị sự về năng lượng. Tổng thống E.Macron đang tìm cách giành lại thế chủ động với những cải cách mới trong những tuần tới và điện hạt nhân được coi là một trong ba trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050, song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm năng lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội Pháp thông qua dự luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân”: Ưu tiên tự chủ năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.